Ngày… tháng… năm…
Yên vị trên chiếc ghế ngồi thoải mái trên máy bay Boing của Vietnam Airlines, chúng tôi mới để ý rằng xung quanh mình, nhiều giọng nói Hà Nội cất lên, chuyện trò râm ran. Có lẽ đó là những người đi làm ăn xa trở về nhà. Và vì thế, dù máy bay chưa cất cánh, bỗng nhiên, chúng tôi cảm thấy Hà Nội thật gần.
Sau hai giờ ngồi đăm đắm ngắm mây, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước chân xuống sân bay Nội Bài là cơn gió của trời thu tháng tám phả vào người mát rượi. Ông xã nắm tay tôi mỉm cười khi tôi khe khẽ hát: “Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ…”. Thế là một điểm cộng cho khí hậu Hà Nội trong mùa thu.
Hà Nội thật độc đáo trong lòng du khách
Nhưng, khi ra đến cửa sân bay, cảm hứng của tôi tan biến khi hai ba anh tài xế taxi đến chèo kéo, “xách hộ” hành lý chúng tôi lên xe. Tôi vừa bực mình, vừa buồn cười khi thấy cảnh ông xã chạy theo “giành giật” lại hai chiếc vali. Nhớ lại lời của một người bạn dặn: “Hà Nội taxi dù nhiều lắm, “ông bà” phải cẩn thận kẻo bị… “thịt” đấy nhá!”. Mệt nhoài, cuối cùng chúng tôi cũng bắt được một chiếc taxi Nội Bài với giá 270.000 VND vào nội thành. Chạy đến Mê Linh, anh tài xế tắt đồng hồ đo km, cười hì hì giải thích: “Em nhận với đài là chỉ đi đến Mê Linh thôi nên phải tắt đồng hồ, anh chị thông cảm em còn phải “kiếm tí” cho vợ con em nó nhờ!”. “Ô hay!” Thôi thì cũng đành. Một điểm trừ cho taxi Hà Nội vậy.
Những con đường loang loáng trước mặt, cảm giác từ Nội Bài vào Hà Nội không khác mấy như đi từ Long An hay Bình Dương vào TP.HCM. Khu đô thị mới Thăng Long nằm nghiêng bên đường chào đón, qua những ngả đường vòng vèo chúng tôi chưa kịp đọc tên bởi chiếc taxi phóng khá nhanh (có lẽ do anh tài xế nôn nóng quay lại trình diện nhà đài), chưa đầy 30 phút, đường rộng từ từ hẹp dần, chúng tôi đã vào đến nội thành (theo lời người bạn thì phải đi từ 40-45phút). Bây giờ tôi mới cảm nhận được sự khác biệt giữa TP.HCM và Hà Nội qua những cây cổ thụ rậm rì, những mái ngói đỏ kiểu cổ, những khoảng sân vuông trước nhà giữa thành phố “đất quý như vàng”. Đường phố khá hẹp nhưng xe cộ rất đông. Dù tiết trời rất đẹp nhưng người Hà Nội không có vẻ gì là đang tận hưởng, ngược lại họ khá tất bật, vội vã. Ông xã tôi tặc lưỡi giải thích ra chiều hiểu biết: “Chậc, thành phố năng động mà em, người ta phải làm trăm công ngàn việc chứ. Mình đi chơi ngày thường nên mới vậy”.
Hà Nội thật nên thơ và đầy luyến nhớ.
Taxi đỗ xịch trước cửa một khách sạn mini ở đường Bà Triệu rồi ù đi mất. Đây là nơi tôi đã đặt phòng trước bởi rất gần Hồ Hoàn Kiếm và giá cả phải chăng. Khi chúng tôi xưng danh, cô chủ chỉ hỏi gọn lỏn nhưng giọng đầy quan tâm: “Ở miền Nam ra à, chắc mệt rồi nhỉ, thôi nhận phòng lên nghỉ trước đi, tí mang CMND xuống sau nhá!”. Tôi “dạ” một tiếng nhỏ rồi cùng ông xã lục tục leo cầu thang lên lầu 3, lòng sung sướng vì đã thực sự bước vào một kỳ trăng mật mơ ước bấy lâu.
Ngày… tháng… năm…
Giữa trưa mùa thu, Hà Nội dìu dịu mát và rất nhiều bóng râm. Mây bàng bạc trên đầu và không khí có vẻ như mang theo hơi nước. Chưa vội khám phá phố cổ, bữa trưa của chúng tôi diễn ra tại café Bốn Mùa với các món ăn phong cách… phương Tây bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Ấy, bạn đừng vội cười. Là do ông xã yêu quý của tôi nghĩ rằng bữa đầu tiên cần đáp ứng khẩu vị, đảm bảo năng lượng trước để chu toàn sức khỏe sau một chuyến đi xa.
Cà phê khá ngon và bữa trưa hợp khẩu vị giúp chúng tôi bừng tỉnh và tràn đầy năng lượng. Dạo một vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, cảm giác quả thật là… giống ảnh chụp chúng tôi đã xem trước. Nước hồ xanh um. Nắng ban trưa chiếu thẳng xuống hồ soi rõ cả những lớp rêu, tảo lý giải cái màu xanh đặc trưng ấy. Không hiểu sao, tôi không hề có cảm giác đến một vùng đất lạ. Những bước chân quanh hồ như được định sẵn sẽ diễn ra như vậy. Ông xã cũng có cùng cảm giác với tôi và lý giải rằng có lẽ chúng tôi đã xem ảnh Hà Nội quá nhiều trước chuyến đi. Anh vẫn rất hay lý giải mọi thứ và phần lớn, tôi thấy lý lẽ của anh hợp lý (nếu không thì một cuộc tranh luận “không khoan nhượng” sẽ diễn ra). Một điểm cộng cho buổi trưa hoàn hảo tại nơi biểu tượng của Hà Thành.
Nơi trữ tình đậm chất thơ cho đôi lứa yêu nhau
Sau bữa trưa, anh lại nảy ra sáng kiến chu du quanh Hà Nội và ngoại ô bằng xe buýt. Mới đầu tôi còn cằn nhằn anh vì sao lại chọn phương tiện mệt mỏi này. Nhưng sau đó đổi ngay ý định bởi những thửa ruộng mát mắt loang loáng qua cửa sổ, những câu chuyện trò vui vẻ của hành khách trên xe. Chúng tôi đi qua con đường gốm sứ nổi tiếng, qua làng đào, quất Nhật Tân (dù mùa này chỉ còn trơ cây), qua sông Hồng nước đỏ ngầu. Đêm chúng tôi trở lại hồ Gươm lần nữa, leo lên Hàm Cá Mập ngắm toàn cảnh Hà Nội lung linh về đêm, đón gió trời mát lành ăn những muỗng kem ngọt lịm.
Từ 22 giờ, đêm Hà Nội đã khá yên tĩnh, chúng tôi nằm tựa đầu bên nhau nghe nhịp thở của mình hòa cùng nhịp thở của thành phố. Cảm thấy một phần tâm hồn có lẽ đã đồng điệu với nơi đây. Niềm hạnh phúc kỳ trăng mật gần như viên mãn.
Ngày… tháng… năm…
Ba ngày ở Hà Nội trôi qua thật nhanh. Giã từ phương tiện xe buýt, với GPRS và Google maps, anh chở tôi bằng xe máy qua các nẻo đường cứ như là thành phố của mình. Tất cả các hồ nhắc đến ở đầu bài đã nằm trong trải nghiệm và thật ra, tôi và anh đều cảm thấy chúng… có vẻ đẹp na ná nhau. Chúng tôi đã quần thảo hết khu phố cổ, xuyên qua những con đường có cái tên thật lạ: Hàng Bạc, Hàng Chuối, Hàng Buồm, Mã Mây, Thợ Nhuộm… và chỉ ngơi nghỉ khi đôi chân mệt nhoài. Mặc dù danh sách những món ăn đã thử qua dài ngoằng như: bún Thang, bún chả Hàng Mành, bánh cuốn, bánh tôm Tây Hồ, bánh đa cua, miến lươn, cơm rang cải chua, riêu cá thì là, nếm nước mắm cà cuống thơm lựng, nhưng tôi và anh luôn tự hỏi liệu mình có bỏ sót gì không. Thậm chí, chúng tôi còn… đi xem phim ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia để cảm nhận sự khác biệt so với khi xem phim ở TP.HCM.
Trà chanh - một nét văn hóa của Hà Nội
Hà Nội nhỏ xinh, nhộn nhịp và có những góc lặng thật hay. Tôi còn nhớ anh đã say mê đứng xem một nghệ nhân làm những con tò he đẹp mắt. Những món ăn không thực sự hợp khẩu vị nhưng cảm giác lạ miệng và hay hay còn nơi đầu lưỡi. Tuần trăng mật chỉ diễn ra có 3 ngày nhưng cũng đủ để tôi và anh tìm thấy những điều mình ấp ủ bấy lâu nơi thủ đô thân yêu của đất nước.
Thi Du
Ảnh minh họa: Internet