Các cụ có câu: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” ý chỉ 3 việc trọng đại trong đời của người đàn ông. Đặc biệt là lấy vợ, tìm một người bạn đời đi cùng mình suốt chặng đường dài là việc quan trọng nhất, cần phải chuẩn bị công phu vì rất nhiều thứ phải lo.
Vì chưa có kinh nghiệm nên nhiều chú rể cảm thấy rối mù, không biết bắt đầu thế nào, làm việc gì trước, sau. Vì vậy, Yêu Media xin gửi tới chú rể 10 việc cần chuẩn bị khi lấy vợ, tùy vào điều kiện thực tế mà các bạn có thể thay đổi trình tự sao cho phù hợp.
1. Việc đầu tiên: Chọn ngày cưới
Chọn ngày cưới là một việc rất quan trọng và cần lựa chọn cẩn thận. Ngày cưới phải được định dựa trên tuổi âm lịch của cả cô dâu và chú rể.
Để chọn được ngày cưới chuẩn, bạn nên nhờ thầy tử vi hoặc lên chùa nhờ sư thầy xem giúp, không nên đến xem tại nhà các thầy bói hoặc thầy phù thủy.
2. Đi khám sức khỏe tiền hôn nhân
Để đảm bảo cả hai vợ chồng có đủ sức khỏe trong ngày cưới cũng như trong cuộc sống sau này, tốt nhất bạn nên dẫn vợ mình đi khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Các yếu tố nhất thiết phải khám là: Sức khỏe sinh sản, các bệnh mãn tính, bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, lao phổi, đậu mùa… để có kể hoạch chữa trị dứt điểm trước ngày cưới.
3. Sửa sang nhà cửa và mua sắm giường, tủ
Lấy vợ, trước mắt là thêm một người về sống trong nhà bạn, sau là những em bé của bạn nữa nên cần phải sửa sang lại nhà cửa để chuẩn bị cho những việc sắp tới.
Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị giường, tủ, chăn ga gối đệm, bàn trang điểm mới cho phòng tân hôn của mình.
4. Đi đăng ký kết hôn
Đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý để nhà nước công nhận hai bạn đã là vợ chồng chính thức. Thông thường, các cặp vợ chồng sẽ đi đăng ký kết hôn vào trước ngày cưới.
Thủ tục đăng ký kết hôn cũng không quá phức tạp. Đầu tiên, hai vợ chồng bạn phải làm giấy chứng nhận độc thân có xác nhận của chính quyền địa phương, sau đó cần trình chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu để cán bộ xã/ phường làm giấy đăng ký kết hôn cho hai bạn.
Để tránh rắc rối và thiếu sót khi đi đăng ký kết hôn, bạn nên hỏi kinh nghiệm từ những người lớn nhé!
5. Đi mua nhẫn cưới
Nhẫn cưới vừa là minh chứng cho ngày trọng đại của hai vợ chồng, vừa là một vật kỉ niệm, nhưng không vì thế mà phải chi quá nhiều tiền để mua nhẫn cưới. Thông thường, các cặp đôi hay chọn các mẫu nhẫn cưới làm từ vàng tây hoặc vàng trắng, giá dao động trong khoảng từ 3 – 8 triệu là hợp lý.
Mua nhẫn cưới ở đâu cũng rất quan trọng. Hai bạn nên chọn mua nhẫn tại các công ty vàng bạc đá quý có danh tiếng để đảm bảo chất lượng cho đôi nhẫn cưới, vật mà nhiều đôi vợ chồng giữ làm kỉ niệm đến vài chục năm.
6. Đi chụp ảnh cưới
Khi đã hoàn tất các thủ tục quan trọng ở trên, giờ là lúc hai bạn đi chụp ảnh cưới. Nếu có điều kiện về tài chính, bạn có thể lựa chọn các gói chụp ngoại cảnh hoặc kết hợp vừa đi du lịch vừa chụp ảnh cưới, còn nếu muốn tiết kiệm chi phí cưới xin, hai bạn nên chọn gói chụp ảnh cưới trong nhà hoặc tại các phim trường, giá chỉ dao động từ khoảng 4 – 6 triệu tùy nơi.
Trước khi lựa chọn điểm chụp ảnh cưới, bạn cần tham khảo ý kiến của một vài người, đồng thời hỏi rõ xem gói chụp ảnh của bạn đã bao gồm các khoản chi phí khác như quần áo cô dâu, chú rể trong ngày cưới, trang điểm, làm đĩa CD… chưa để tránh bị đội giá lên nhé!
7. Lên danh sách mời cưới
Lên danh sách mời cưới sớm sẽ giúp hai vợ chồng bạn không bỏ sót khách mời. Kinh nghiệm từ người lớn trong việc lên danh sách mời cưới như sau:
+ Lên danh sách khách mời trong công ty của bạn đầu tiên
+ Tiếp theo, lên danh sách khách mời là bạn đại học, bạn cấp 3, bạn cấp 2, cấp 1…
+ Lên danh sách khách mời là hàng xóm
+ Danh sách khách mời là đồng nghiệp cũ, bạn làm ăn
+ Các mối quan hệ xã hội khác
8. Chọn địa điểm tổ chức đám cưới
Sau khi lên danh sách khách mời, cộng thêm người nhà, anh em họ hàng nữa là bạn đã ước lượng được tổng số khách mời và số mâm cỗ cần đặt. Việc tiếp theo bạn cần làm là chọn địa điểm tổ chức đám cưới.
Một số lưu ý khi chọn địa điểm tổ chức đám cưới:
+ Nên chọn các nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới có tiếng , họ sẽ chuyên nghiệp và tránh được nhiều thiếu sót hơn trong đám cưới của bạn
+ Nên chọn địa điểm tổ chức tiệc cưới gần hoặc không quá xa nhà bạn
+ Cần thảo luận rõ với bên tổ chức tiệc cưới về các chương trình, tiết mục do họ tổ chức như ca múa nhạc, mc, dàn karaoke và các chi phí phát sinh khác
9. Lên thực đơn tiệc cưới
Thực đơn tiệc cưới cũng phải tùy thuộc vào khả năng tài chính của vợ chồng bạn. Cần tính toán xem với số lượng khách mời như vậy, tiền mừng sẽ được khoảng bao nhiêu, sau đó trừ đi các chi phí như tiền chụp ảnh cưới, ăn hỏi, mua sắm đồ đạc… thì sẽ ra số tiền hai vợ chồng bạn dùng để đặt tiệc.
Chỉ nên đặt tiệc trong số tiền hai bạn dự định nếu không muốn sau ngày vui của mình hai bạn phải bù tiền ra để chi trả cho các khoản phát sinh nhé!
10. Chuẩn bị tiết mục văn nghệ, nhảy múa (của riêng hai bạn) nếu có
Đám cưới hiện nay cũng khác hơn rất nhiều so với trước đây. Để ngày vui của mình rộn rã hơn, nhiều cô dâu chú rể thường chuẩn bị các tiết mục ca hát hoặc nhảy múa.
Để tiết mục của mình hấp dẫn hơn, hai vợ chồng bạn nên dành thời gian để luyện tập và khớp nhạc tại địa điểm tổ chức tiệc cưới. Nên chọn những bài hát hoặc đoạn nhạc có tiết tấu sôi động, lời ca đẹp, hạnh phúc để trình diễn trong ngày cưới của mình nhé các cô dâu chú rể.
Chuẩn bị xong tất cả 10 việc ở trên là công cuộc lấy vợ của bạn cũng đã hòm hòm rồi đấy! Chúc hai bạn có một đám cưới đẹp như mơ và tràn ngập hạnh phúc!