Lễ ăn hỏi là gì ?
Lễ ăn hỏi hay còn gọi là lễ đính hôn là một trong những nghi thức cưới truyền thống của người Việt. Lễ ăn hỏi là một trong 3 lễ chính theo nghi thức cưới hiện nay (vốn đã được giản lược từ 6 lễ theo phong tục cưới hỏi truyền thống).
Chính vì thế, việc chú ý tổ chức đúng trình tự lễ ăn hỏi một cách trang trọng, đủ nghi thức, suôn sẻ sẽ là điểm khởi đầu tốt đẹp cho nghi thức quan trọng sau này là lễ rước dâu (đám cưới).
Về thời gian tổ chức, người xưa tổ chức lễ ăn hỏi trước lễ cưới 1 đến 2 năm, tuy nhiên, ngày nay lễ ăn hỏi có thể diễn ra trước đám cưới 1 tháng, 1 tuần.
Đôi khi do điều kiện địa lý xa xôi mà buổi lễ ăn hỏi này sẽ được gộp chung, tiến hành cùng ngày với lễ cưới.
Xem ngày cưới hỏi phải chọn ngày tốt hoặc do hai gia đình thỏa thuận với nhau sao cho phù hợp và thuận tiện nhất.
Những quy định được điều chỉnh cho phù hợp với đời sống hiện đại nhưng nhìn chung vẫn không khác ngày xưa.
Lễ vật cho đám hỏi là một phần quan trọng trong trình tự lễ ăn hỏi lại có sự khác nhau giữa các miền.
Trong đó, lễ vật quan trọng không thể thiếu gồm trầu cau và lễ đen – vốn được coi là “tiền thách cưới” của nhà gái (số lượng phong bì lễ đen tùy thỏa thuận hoặc do nhà gái yêu cầu). Các lễ vật khác thường là bánh phu thê, bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho sự giao hòa âm dương. Ngoài ra còn có xôi gấc, heo quay, trang sức cho cô dâu, bánh kem... tùy theo điều kiện kinh tế mỗi nhà.
Ý nghĩa lễ ăn hỏi của người Việt Nam
Lễ ăn hỏi là sự thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai họ, là giai đoạn xác định quan hệ hôn nhân: Cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai.
Bên cạnh đó, lễ ăn hỏi có ý nghĩa thể hiện sự quan tâm và kính trọng công ơn của nhà gái đã nuôi dưỡng con, cháu gái họ trưởng thành. Hơn thế, mâm lễ vật thể hiện sự chu đáo cũng như sự quan tâm của họ nhà trai dành cho cô dâu tương lai.
Cuối cùng, ý nghĩa lớn nhất của lễ ăn hỏi chính là sự chúc phúc cho cặp uyên ương yêu thương, chung thủy sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.
Lễ vật đo đội bưng quả là các bạn nam, nữ độc thân đảm nhiệm. Sau các bước chuẩn bị, đến ngày tốt đã định, nhà trai sẽ mang lễ vật đến làm lễ hỏi tại nhà gái.
Lễ ăn hỏi cần chuẩn bị gì ?
1. Thành phần tham dự lễ ăn hỏi
Trong thủ tục đám hỏi truyền thống của người Miền Bắc, nhà trai đưa lễ vật tới và nhà gái nhận lễ ăn hỏi có nghĩa là đã danh chính ngôn thuận công nhận gả con gái cho nhà trai.
Kể từ ngày diễn ra lễ ăn hỏi, đôi trai gái sẽ là cặp vợ chồng chưa cưới và chỉ cần ngày thành hôn là chính thức công bố với 2 họ. Dưới đây là những điều cơ bản trong đám ăn hỏi mà bạn cần phải biết:
- Nhà trai: Đại diện gia đình, họ hàng, chú rể, một số thanh niên chưa vợ đội mâm quả hay còn gọi là bê tráp, số người bê tráp là số lẻ: 3,5, 7, 9, hoặc 11,...
- Nhà gái: Bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột của cô dâu, cô dâu, anh em bạn bè thân cận và một số nữ chưa chồng đón lễ, số nữ tương ứng với số nam đội mâm.
2. Trang phục cô dâu, chú rể
Trang phục cho cô dâu (tốt nhất là một bộ áo dài, vừa có thể mặc trong lễ cưới, vừa có thể mặc ở những dịp lễ hội sau này). Chú rể thì comple, cà vạt.
Nếu kinh tế nhà trai khá giả có thể sắm cho cô dâu tương lai một trong những đồ trang sức sau: Xuyến, vòng, hoa tai...
3. Chuẩn bị trước lễ ăn hỏi
Trước lễ hỏi, hai gia đình sẽ bàn bạc, thống nhất ngày giờ ăn hỏi và số lượng tráp. Thông thường số lượng tráp ở miền Bắc là lẻ, từ 3, 5, 7 đến 15 tráp tùy nhà, còn ở miền Nam, tráp lại là số chẵn.
Các tráp lễ vật thường có:
- Trầu cau
- Bánh cốm
- Chè
- Hạt sen
- Hoa quả
- Lợn quay
- Rượu và Thuốc lá.
Trình tự lễ ăn hỏi
1. Nhà trai xuất phát đến nhà gái
Sau khi kiểm tra lại các lễ vật đầy đủ, nhà trai xuất phát đến nhà gái để kịp giờ lành. Thông thường nhà trai cần đến sớm trước giờ làm lễ 30 phút để tránh rắc rối bất ngờ.
2. Hai gia đình chào hỏi và trao lễ vật
Khi chuẩn bị đến giờ lành, đoàn đại diện nhà trai theo thứ tự là ông bà hoặc bậc cao niên đại diện gia đình, cha mẹ, chú rể, đội bưng quả cùng các thành viên gia đình sẽ tiến vào nhà gái.
Gia đình cô dâu tương lai với các vị đại diện tương ứng sẽ ra đón chào nhà trai.
Sau khi đại diện 2 gia đình chào hỏi, đội bưng mâm quả nhà trai sẽ trao lễ vật cho phía nhà gái. Hai đội bưng mâm quả sẽ trao phong bao lì xì trả duyên cho nhau. Trị giá các phong bao do nhà gái và nhà trai chuẩn bị trước.
3. Nhà trai và nhà gái cùng trò chuyện
Sau khi hoàn tất màn trao quả, đại diện nhà gái mời nhà trai vào dùng nước và giới thiệu những người đại diện của hai gia đình. Vị đại diện nhà trai sẽ trình bày lý do đến nhà gái, giới thiệu lễ vật. Đại diện nhà gái nói lời cảm ơn và nhận lễ. Sau đó mẹ cô dâu, mẹ chú rể cùng mở các tráp lễ trước sự chứng kiến của hai gia đình.
4. Cô dâu ra mắt gia đình nhà trai
Theo đúng trình tự lễ ăn hỏi, sau khi hoàn tất các bước trên thì cô dâu mới được phép xuất hiện. Cha mẹ cô dâu sẽ đưa con gái ra mắt hai họ, hoặc cho phép chú rể vào trong đón cô dâu ra chào hỏi.
Sau khi cả hai bước ra thì cô dâu, chú rể phải rót trà mời đại diện hai gia đình.
Theo phong tục nhiều nơi, trước khi chú rể lên đón, cô dâu không được xuất hiện trong lễ ăn hỏi.
5. Thắp hương bàn thờ tổ tiên
Sau phần ra mắt và mời trà của cô dâu, mẹ cô dâu sẽ chọn một số lễ vật trong mâm ngũ quả, cùng lễ đen dâng lên bàn thờ gia tiên.
Đôi uyên ương tiến hành lễ khấn gia tiên trước bàn thờ nhà gái để cầu tổ tiên chứng giám, phù hộ.
6. Cô dâu ra mắt hai gia đình
Kết thúc quy trình thắp hương gia tiên, chú rể sẽ dắt cô dâu xuống nhà dưới để ra mắt cả hai bên gia đình. Đây là thủ tục không thể thiếu trong các bước ăn hỏi, bởi lẽ cô dâu trong đám hỏi chắc chắn sẽ lộng lẫy và xinh đẹp khác hẳn ngày thường.
Vào đám hỏi, cô dâu thường sẽ diện áo dài thanh lịch, đằm thắm, bộc lộ hoàn toàn những vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Việt Nam truyền thống.
7. Hai nhà bàn bạc về lễ cưới
Nghi thức thắp hương ở bàn thờ gia tiên đã xong, hai gia đình sẽ ngồi cùng nhau bàn bạc về ngày, giờ lành để tiến hành lễ rước dâu, lễ cưới.
Cô dâu chú rể sau khi mời nước các bậc cao niên thì có thể ra ngoài chụp hình cùng người thân, bạn bè.
8. Nhà gái lại quả và kết thúc buổi lễ
Nhà gái sẽ lại quả lễ vật cho nhà trai. Lưu ý là tất cả mọi lễ vật đều phải chia, tách bằng tay, tuyệt đối không dùng dao, kéo (mang điềm không tốt cho cuộc hôn nhân của đôi trẻ).
Chia quà là một trong các nghi lễ đám hỏi quan trọng. Chia quà có nghĩa là mang lễ vật ăn hỏi, chia nhỏ thành nhiều phần và tặng cho họ hàng, làng xóm. Đây là cách để chia sẻ niềm vui, cũng là để thông báo tới rộng rãi mọi người chuyện vui của gia đình mình.
Việc chia quà ăn hỏi cũng là một nghi thức đẹp, thể hiện sự thảo hiền, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi trong cộng đồng người Việt.
Mâm quả khi được trả lại cho nhà trai phải để ngửa nắp. Nhà trai nhận lại mâm lễ vật và xin phép ra về, kết thúc lễ ăn hỏi. Sau đó, nhà gái có thể mời nhà trai ở lại dùng bữa cơm thân mật, việc này tùy thuộc hai gia đình. Lễ đính hôn cần trang trọng nhưng không rườm rà, thường chỉ mất 45 – 60 phút.
Với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt” nên việc thực hiện đúng trình tự lễ ăn hỏi là điều các đôi uyên ương cần chú ý để khởi đầu cho cuộc sống vợ chồng êm ấm.
So sánh lễ ăn hỏi ngày xưa và ngày nay
1. Lễ ăn hỏi ngày nay
Lễ ăn hỏi ngày nay tuy không còn giống như ngày xưa, tuy nhiên tất cả các nghi thức chính đều được giữ gìn và thực hiện trọn vẹn, bởi lẽ mỗi gia đình người Việt chúng ta đều coi trọng cội nguồn, và trân trọng những giá trị tốt đẹp trong quá khứ.
Ngày nay, các đám hỏi và đám cưới thường được tổ chức chung trong 2 ngày, hoặc đôi khi có những đám cưới hỏi chỉ gói gọn trong 1 ngày mà thôi.
Trình tự cưới hỏi thông thường là đám hỏi diễn ra vào buổi sáng, đám cưới vào chiều tối, hoặc đám hỏi vào ngày đầu tiên, đám cưới vào ngày thứ hai.
Bên cạnh đó, trình tự đám hỏi miền nam, miền bắc thường có điểm tương đồng với nhau nhiều hơn so với các đám hỏi, đám cưới ở miền trung, miền tây.
2. Lễ ăn hỏi ngày xưa
Lễ ăn hỏi ngày xưa được thực hiện trước ngày cưới khoảng 2 – 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, cô dâu đã được chính thức coi là thành viên của gia đình chồng, tuy nhiên thường vẫn sống tại nhà bố mẹ đẻ.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, nếu như cô dâu có bầu trước, hoặc một trong hai người cần phải đi xa, thì việc tổ chức lễ ăn hỏi trước như việc chứng minh hai người đã có kết nối với nhau.
Đám cưới chính thức sẽ được thực hiện khi cả hai có đủ điều kiện về thời gian cũng như tiền bạc.
Trình tự trong lễ ăn hỏi truyền thống thường diễn ra trong một ngày bao gồm cả việc làm lễ, nghi thức và việc đãi tiệc hai bên gia đình. Trong một số trường hợp, nếu cô dâu và chú rể không hợp tuổi nhau, đám hỏi còn được diễn ra hai lần. Bởi vậy, trình tự đám hỏi truyền thống có khá nhiều thủ tục phức tạp.
Những điều nên lưu ý để buổi lễ ăn hỏi diễn ra suôn sẻ
Để có một buổi lễ đám hỏi hoàn hảo thì điều quan trọng nhất là sức khỏe của cô dâu, chú rể và cả gia đình.
Đám hỏi là một sự kiện trọng đại, cũng là một ngày vui, bởi vậy, chỉ có một tinh thần thoải mái mới có thể đón nhận được niềm vui này một cách sâu sắc nhất.
Bên cạnh đó, cô dâu và chú rể trải qua quá trình dài chuẩn bị, nên cần cố gắng ăn uống, tập thể dục đều đặn để có một sức khỏe dẻo dai.
Trước khi quyết định đến với nhau, bạn cũng nên dành thời gian đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, đến spa chăm sóc da và thư giãn.
Đặc biệt, chắc chắn cô dâu nào cũng mong muốn mình xuất hiện thật lộng lẫy trong ngày vui, nên hãy uống nhiều nước, đi ngủ sớm và tránh lo lắng, suy nghĩ nhiều nhé!
Hy vọng với những kinh nghiệm và sự đúc kết từ Marry, bạn có thể hiểu và biết cần chuẩn bị gì cho buổi lễ ăn hỏi của mình và người ấy diễn ra suôn sẻ ! Đừng quên đọc các bài viết và thông tin bổ ích khác về đám cưới của Marry tại đây nhé !
Bài: Hoàng Lê