Đăng bởi Marry Doe - 18/12/2017 | Lượt xem: 1144
Chiếc thiệp cưới là ấn tượng đầu tiên của tất cả mọi khách mời về ngày cưới của bạn: ngày tháng, nơi chốn, phong cách, màu sắc, kiểu cách, kể cả những dấu hiệu được bạn chọn làm điểm nhấn cho buổi tiệc cưới đôi khi cũng thể hiện trong cánh thiệp mừng.
Khi gửi thiệp đi, cũng là lúc bạn ngầm nhắn gửi đến những vị khách mời của mình một vài thông tin điệp quan trọng. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để truyền tải hết những thông điệp ấy?
Bạn không muốn cả một gia đình gồm luôn trẻ nhỏ mà chỉ muốn mời bố mẹ chúng thôi?
Khi viết thiệp cưới đừng dùng những ký hiệu ẩn có thể gây hiểu nhầm ví dụ như: anh A +… (đây là cách ghi thiệp rất thường gặp ở Việt Nam). Mà hãy ghi cụ thể ra là: anh A + chị B.
Một cách khác, khi thiết kế thiệp bạn hãy ghi luôn vào đó một lời yêu cầu nho nhỏ phía dưới tấm thiệp “Chỉ dành cho người lớn, không bao gồm trẻ nhỏ” hoặc “Ghế ngồi sẽ được ghi chính xác theo số lượng khách mời trên thiệp”. Đôi khi cách nói trực tiếp này có vẻ hơi thực tế sòng phẳng một tí, nhưng đảm bảo được tốt nhất “trật tự” trong ngày cưới của bạn.
Khi gửi thiệp trực tiếp đến cho khách mời của mình, hãy nhắn kèm một lời nhắn nói rõ là vị trí của nơi tổ chức tiệc cưới sẽ không thích hợp cho em bé và trẻ nhỏ. Nên các vị khách mời hãy vui lòng để các em ở nhà trong ngày ấy.
Không muốn khách mời mang theo quà cưới (kể cả tiền mừng)
Với một số đám cưới số lượng khách mời ít, đa phần là những người rất mực thân thiết cùng cô dâu chú rể, bạn không muốn họ phải nhọc lòng nghĩ nhiều về đám cưới của bạn bằng quà tặng hay tiền mừng, làm sao để diễn giải điều này qua chiếc thiệp cưới?
Ghi trực tiếp vào dưới tấm thiệp cưới “Không nhận quà hoặc tiền mừng cưới”
Nói rõ thông điệp này trên facebook cá nhân hoặc trên website cưới của bạn (nếu có)
Thông báo về việc này đến người nhận khi gửi trực tiếp thiệp mời
Muốn khách mời đến đúng giờ và ăn mặc đúng yêu cầu
Cách tốt nhất vẫn là ghi thẳng lên thiệp mời “Xin vui lòng đến đúng giờ để chuẩn bị cho phần chụp hình trước tiệc cưới” và “Trang phục lịch sự trang nghiêm với hai màu trắng đỏ khi đến dự tiệc”.
Đi kèm là thao tác truyền tin khi gửi thiệp và trước ngày cưới 1-2 tuần nhắc nhớ một lần nữa các vị khách mời của mình những nguyên tắc trên qua điện thoại hoặc email.
Điều này đặc biệt quan trọng nếu đám cưới của bạn diễn ra tại một địa điểm lạ, và vào một thời điểm hơi khác so với các đám cưới truyền thống, vd: diễn ra ở nhà hàng nổi trên sông, vào lúc 5h00 chiều. Khi ấy bạn cần phải đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố thời gian có mặt đến từng vị khách mời để đảm bảo mọi người nhớ rõ về điểm khác biệt này và không tự giả định là đám cưới của bạn cũng diễn ra vào đúng thời điểm 7h30 tối như bao đám cưới khác.
Ghi chú riêng cho Bao thư thiệp cưới
Phong tục ở Việt Nam, chút tiền mừng như thay cho thành ý và lời chúc phúc của khách mời dành cho cô dâu chú rể trong ngày vui. Theo đó, đa phần mọi người đều dùng tiền mừng để dự cưới. Và cũng chính vì vậy, bạn phải hết sức tinh tế khi thiết kế tấm thiệp mời với một số những ghi chú sau:
- Bao thư của tấm thiệp mời phải có độ dày hợp lý, để không thấy được màu sắc và số tiền mừng phía trong.
- Bao thư cũng phải có kích thước hợp lý cho việc chứa tiền mừng, ít nhất là bề ngang bao thư phải dài hơn chiều dài của tờ tiền một tí, thuận tiện cho việc lấy ra bỏ vào.
- Bao thư cũng không nên quá rườm rà nhiều họa tiết, buộc thắt quá phức tạp, để khách mời có thể nhanh chóng dễ dàng bỏ vào thùng tiền mừng.
- Bao thư nên ghi rõ họ tên cô dâu chú rể và ngày cưới, phòng trường hợp khách mời đi nhầm sảnh cưới sang một đám cưới khác trong khu vực gần nơi bạn tổ chức tiệc cưới.
Ghi chú cho tấm thiệp cưới
Để cho tất cả những yêu cầu hay gợi ý mà bạn muốn nhắn gửi đến mỗi người khách mời được cô đọng, tập trung và dễ hiểu hơn, có thể gom chúng lại thành một tờ ghi chú riêng, kèm theo là địa chỉ hoặc số điện thoại để khách mời thông báo về sự hiện diện của họ (tiếng Pháp: RSVP, đây cũng là thuật ngữ thường được dùng hiện nay cho tấm thiệp ghi chú nhỏ này).
St