Đăng bởi Marry Doe - 12/06/2020 | Lượt xem: 4192
Người ta vẫn thường bảo: “Tu trăm năm mới chung một chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ”. Nhân duyên vợ chồng kiếp này đâu phải dễ dàng mà cần trải qua nhiều kiếp qua bao duyên số mới đến được với nhau. Nhưng tại sao đến kiếp này lại có người “duyên đầy” còn người kia thì “duyên khuyết” khác nhau đến vậy?
Hôn nhân là việc đại sự trong cuộc đời mỗi con người. Mỗi người thường chỉ có một lần khoác tay một nửa mình yêu thương nhất bước chân vào lễ đường rồi cùng đi đến hết chặng tiếp theo của con đường. Tuy nhiên, dường như hôn nhân ngày nay lại phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như bạo lực gia đình, chiến tranh lạnh giữa vợ chồng, ngoại tình... Những điều trên khiến ý nghĩa thiêng liêng ban đầu của hôn nhân phần nào thay đổi và mang nét tiêu cực. Những vấn đề trên sở dĩ xuất hiện là do lối sống "yêu sai" mà thành.
Tu trăm năm mới chung một chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên chồng vợ
Thời xưa, vợ chồng với nhau ngoài tình cảm người ta còn nói đến hai chữ "ân nghĩa". Ông bà ta hay quan niệm rằng: “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên chồng vợ”. Hai còn người xa lạ tình cờ quen biết nhau rồi từ đó đi chung một đường, nếu không phải vì nhân duyên sao có thể trùng hợp đến vậy?
Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân, trong biển người mênh mông thế, sao ta lại gặp đúng người này mà không phải người khác? Tại sao ta và người ấy lại gặp nhau trong hoàn cảnh như vậy? Tại sao chúng ta lại yêu và cưới nhau? Nếu giải thích theo cách nói của ông bà ngày xưa, phải chăng chúng ta đã từng gặp nhau, từng biết nhau ở một thời điểm nào đó trên chuyến thuyền của dòng sông duyên phận?
Thời ông bà ngày trước, ân nghĩa luôn được đặt phía trên tình yêu. Tình yêu phải được xây dựng trên cơ sở vững chắc là hôn nhân và gia đình. Mọi thứ phải theo đúng trật tự và tuân theo lễ giáo, quy tắc. Có vậy mọi thứ mới hợp tình hợp lý và được cả xã hội công nhận và tôn trọng. Tất cả những tình yêu không dựa trên cơ sở này đều được xem là vi phạm đạo lý lễ giáo và không được cho phép.
Cũng từ quan niệm như vậy, đối với người xưa, trước khi tính đến chuyện hôn nhân thì nhân nghĩa phải đặt lên đầu tiên. Trước mặt là duyên phận, tiếp sau là lễ giáo còn tình dục phải được đặt ở vị trí cuối cùng. Tuy nhiên, thái độ của con người thời nay lại đi ngược hoàn toàn, đảo ngược đầu đuôi lẫn lộn. Đó cũng là một trong những nguyên do dẫn đến nhiều ngõ cụt tình yêu không lối thoát.
Câu chuyện của Yến Anh nước Tề
Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, ở nước Tề có một vị hiền tướng nổi tiếng tài giỏi tên là Yến Anh. Tề Cảnh Công là vua nước Tề muốn gả con gái yêu cho Yến Anh, bèn đến nhà ông uống rượu. Trong lúc nghe rượu thưởng nhạc, Cảnh Công trông thấy vợ của Yến Anh, liền hỏi: “Đây là thê tử của khanh à?”.
Yến Anh trả lời: “Đúng vậy”. Cảnh Công nói: “Cô ta vừa già vừa xấu. Ta có một đứa con gái, tuổi còn trẻ lại xinh đẹp, muốn xin gả cho tiên sinh”.
Yến Tử lập tức đứng dậy, cung kính trả lời: “Vợ của tôi nay vừa già vừa xấu, nhưng xưa kia khi nàng còn trẻ đẹp tôi đã cùng nàng chung sống lâu dài. Khi nàng còn trẻ đẹp, nàng đã trao thân gửi phận cho tôi nguyện cùng chung sống trọn đời. Nàng đã phó thác cuộc đời cho tôi, và tôi đã tiếp nhận lòng tin cậy của nàng. Nay chúa công muốn ban con gái của ngài cho tôi, nhưng làm sao tôi có thể phụ bạc lòng tin của thê tử cho được?”. Yến Tử bái xin tạ ơn và từ chối.
Có một lần, Điền Vô Vũ gặp Yến Tử ở nhà một mình và gặp một người phụ nữ trong nhà bước ra, quần áo giản tiện, mái tóc đã bạc. Điền Vô Vũ chế giễu Yến Tử, nói: “Người đàn bà đó là ai vậy?”
Yến Tử trả lời: “Là thê tử của ta”.
Điền Vô Vũ nói: “Ngài là quan lớn đầu triều, thực ấp điền thuế thu vào bảy mươi vạn, tại sao lại nhận bà lão này làm vợ?”.
Yến Tử trả lời, “Ta nghe nói, bỏ rơi một người vợ già là loạn đạo, thú vui lấy thêm thê thiếp trẻ tuổi là dâm đãng. Thấy sắc đẹp quên điều đại nghĩa, thấy phú quý vứt bỏ nhân luân, đó là xa rời đạo đức. Yến Anh ta làm sao có thể hành vi dâm loạn, bất chấp nhân luân, chà đạp đạo đức cổ kim như thế được?”.
Một lần khác, có một thợ khéo là nữ nhân xin làm tôi tớ cho nhà Yến Tử, nói rằng: “Tôi là dân thường đến từ cửa đông thành, mong được gửi thân nơi nhà ngài, xin được làm hầu thiếp”.
Yến Tử nói: “Đến hôm nay ta mới nhận ra mình không phải là kẻ hiền đức! Thời xưa kẻ chấp chưởng việc triều chính, đều để nhân sỹ, nông phu, nhân công, lái buôn ở tại chốn riêng biệt, nam nữ phân biệt không giao vãng với nhau. Thế nên nhân sỹ không phạm điều tà ác, nữ nhân không phạm điều dâm ô. Ngày nay ta quản lý quốc gia trăm họ, lại có nữ nhân muốn làm người của ta, nhất định là do ta có biểu hiện háo sắc, có hành vi không liêm chính”. Vì thế không tiếp nạp nữ nhân này.
Không ít cô gái đẹp muốn nâng khăn sửa túi làm thiếp cho Yến Tử nhưng ông đều từ chối cả. Thậm chí, ông còn tự trách bản thân phải chăng "chưa đủ liêm chính" mà khiến cho người khác phải ngỏ lời. Đây là điều mà rất ít đàn ông bây giờ tự tiết chế được khi đứng trước "lời mời gọi" của một cô gái đẹp.
Con người ra gặp nhau là do "duyên", nhưng có tiếp tục ở cạnh nhau được không thì phải kể đến "nợ". Khi hai con người luôn trân trọng cái "nợ yêu thương" mà họ phải gánh trong đời đó, đây chính là tình yêu đích thực. Nhớ đến cái "nợ" này còn giúp người ta biết cách chối từ cám dỗ và nhớ đến ân nghĩa đã trải qua cùng người thương của mình. Để nghĩ được như vậy chính là người trọng "nhân duyên".
Gieo nhân nào, gặt quả ấy - Gieo duyên lành, gặt duyên tốt
Gieo nhân nào, gặt quả ấy. Nếu gieo duyên lành thì bạn sẽ gặt lại duyên tốt. Khi mới yêu, hẳn chúng ta chẳng bao giờ tự hỏi tại sao hai người lại đến với nhau. Lý do nào khiến cả hai chúng ta đến với nhau. Tuy nhiên, khi trải qua nửa đời người hoặc hơn, mỗi người lại nhận ra ý nghĩa của lần gặp gỡ đầu tiên. Chẳng hạn như nhớ lại anh đã gặp em trong một quán cà phê, lần em đánh rơi món đồ anh nhặt lại, hay dịp chúng ta cùng học chung trong một lớp nào đó. Phải chẳng chúng ta gặp được nhau và yêu nhau như bây giờ đều là do ý trời?
Mỗi người có thể lựa chọn tin hoặc không tin vào duyên phận. Nhưng chắc chắn một điều, khi đã lựa cọn cùng tiến đến hôn nhân là hai bạn đã ý thức rõ việc cùng nhau xây đắp hạnh phúc. Nếu bạn coi thường mảnh ghép của duyên phận và không cất công vun đắp cho hạnh phúc của mình, chắc chắn sau này khi nhớ lại bạn sẽ thấy ân hận. Còn người đã hết lòng vì mối quan hệ, dù cho nó phải kết thúc họ cũng sẽ thấy nhẹ lòng và thanh thản.
Khi hai người phải đối diện với những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, hãy đối diện với những khó khăn bằng thiện tâm và thái độ bình tĩnh. Bởi chịu khổ không phải là điều bất hạnh mà có thể là nợ phải trả mà bạn đã từng vay. Khi thấy lòng mình không còn dậy sóng nữa, bạn sẽ đạt đến cảnh giới an yên.
Xem thêm: Nhân duyên vợ chồng đâu đơn giản, có duyên có nợ mới tu thành