Thanh toán

Tư vấn chọn thực đơn cưới từ tổng bếp trưởng người Việt đầu tiên trong hệ thống khách sạn 5 sao

Đăng bởi - 01/12/2016   |   Lượt xem: 2235

Một thực đơn với những món ăn ngon, vừa tinh tế lại vừa đặc sắc, chính là lời cảm ơn chân thành của cô dâu chú rể gửi tặng đến gia đình, bạn bè và những khách mời đến tham dự.

Mặc dù vậy, việc lên một thực đơn cưới hoàn hảo vừa ngon mắt vừa ngon miệng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Dưới đây, đầu bếp Nguyễn Công Chung, người có 18 năm kinh nghiệm trong nghề bếp, đặc biệt là trong các bếp của khách sạn 5 sao - sẽ chia sẻ về các kiểu thực đơn phổ biến cho tiệc cưới nhằm giúp các cặp đôi trong việc lên thực đơn cho ngày trọng đại của mình. 1. Bàn tiệc theo kiểu thực đơn truyền thống: Một bàn tiệc cưới thông thường, tùy theo nhu cầu của khách hàng có thể sắp xếp từ 6 đến 12 khách. Thực đơn cũng theo đó phải điều chỉnh sao cho hợp lý, từ số lượng món ăn trên bàn tiệc, đến khẩu phần và sự hài hòa trong hương vị. Đối với thực đơn món Á truyền thống, yếu tố hài hòa xuyên suốt bữa ăn là đặc biệt quan trọng. Món khai vị cần phải được chăm chút một cách tỉ mỉ từ hương vị đến cách bài trí sao cho ấn tượng nhất, kích thích cảm giác thèm ăn của các thực khách vì là món ăn đầu tiên được dọn lên. Đó có thể là một món súp nóng, một đĩa gỏi bưởi tôm thịt, gỏi cuốn hay một đĩa nem nóng giòn. Những món ăn có vị thanh mát sẽ ghi điểm tốt hơn những món cay nồng và thiếu tinh tế. Đối với các món chính, không nên lựa chọn quá nhiều món đạm, nhiều chất dinh dưỡng gây cảm giác nặng nề. Cũng không nên thêm vào quá nhiều những món ăn kèm đơn điệu. Một thực đơn hợp lý cần phải có đầy đủ dinh dưỡng, có thịt, có cá, có rau xanh, có món khô, có món nước. Thứ tự lên món cũng cần được chú ý, những món ăn chế biến đơn giản như bào ngư xào nấm, gà hấp lá chanh nên được đưa lên trước những món ăn được chế biến cầu kì như tôm hùm bỏ lò hay đùi heo chiên ngũ vị. Những nguyên liệu chính đã được sử dụng trong thực đơn khai vị không nên đưa vào thực đơn món chính, tuy nhiên, để tạo sự đồng nhất và hài hòa thú vị cho bữa ăn, cô dâu chủ rể có thể cân nhắc đưa vào món chính một số những nguyên liệu, gia giảm đã được sử dụng trong món khai vị, ví dụ như hoa trang trí hay nước sốt cùng hương vị. Về món tráng miệng, không khó để có thể chọn được một món tráng miệng phù hợp, đó có thể là các loại chè, kem, thạch rau câu hay bánh ngọt, nhưng hợp lý và được lòng khách nhất vẫn luôn là những đĩa hoa quả tươi theo mùa, vừa thơm ngon, ngọt mát lại vừa kinh tế. 2. Bàn tiệc theo kiểu thực đơn món Âu: Bên cạnh những mâm cỗ cưới truyền thống, những set menu theo phong cách Châu Âu cũng rất được lòng các cặp đôi. Đó có thể là set menu từ 3 đến 5 món, bao gồm các món khai vị, món chính và món tráng miệng. Khách sẽ thưởng thức lần lượt từng món, thay vì tất cả cùng lúc như mâm cỗ truyền thống. Khách sẽ bắt đầu với một món khai vị lạnh như salad tôm cocktail hay pate gan gà nấm, theo sau bởi một món súp khai vị nóng như súp bí ngô hoặc súp nghêu bỏ lò. Món chính sẽ được phục vụ sau đó, tùy thuộc vào cô dâu chú rể mà đó có thể là một món thịt, món hải sản hay một món ăn chay. Nhìn chung, những nguyên liệu như thịt bò, thịt chim hay tôm hùm sẽ được ưu ái hơn những nguyên liệu lạ như thịt cừu hay thịt thỏ. Một món chính đúng nghĩa sẽ phải có đầy đủ protein, rau củ và phần tinh bột, như món mỳ Ý tươi với bò hầm rau củ là một ví dụ. Khác với thực đơn truyền thống, các món tráng miệng theo kiểu phương Tây thường được chăm chút và bài trí tỉ mỉ hơn dù cho nó chỉ đơn giản là những miếng trái cây, chúng cũng sẽ được tỉa tót và sắp xếp theo một cách ấn tượng nhất, cầu kì nhất. Tiệc cưới theo phong cách Châu Âu vừa lạ, vừa ngon lại đẹp mắt rất phù hợp với xu hướng chung của giới trẻ. Tuy nhiên, tiệc cưới theo phong cách Âu chỉ phù hợp với những đám cưới có quy mô nhỏ với khách mời là những người nước ngoài, hay những đôi bạn trẻ, những người có xu hướng hiện đại, thích trải nghiệm và thưởng thức những gì mới mẻ. Bởi lẽ từ xưa đến nay người Việt đi ăn cưới thường đi với tâm lý “cưỡi ngựa xem hoa”, họ thường không dành nhiều thời gian cho việc ăn uống trong khi một bữa ăn theo set menu kiểu Âu thường tốn từ 1,5 đến 2 tiếng để phục vụ. Bởi vậy mà đã có không ít đám cưới “dở khóc dở cười” khi món tráng miệng chưa được dọn ra thì khách đã về tới phân nửa. 3. Tiệc cưới buffet tự chọn: Đám cưới theo phong cách tiệc đứng tự chọn cũng là một lựa chọn khá thú vị mà các cặp đôi có thể cân nhắc. Tuy không còn xa lạ với văn hóa phương Tây, nhưng tiệc cưới buffet vẫn có khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhắc đến tiệc buffet người ta sẽ nghĩ đến sự thoải mái và đa dạng. Nhiều món ăn hơn đồng nghĩa với nhiều nhu cầu được đáp ứng hơn. Một menu buffet thường có từ 20 đến 30 món, Âu – Á kết hợp. Những món ăn truyền thống vẫn sẽ được phục vụ, điểm xuyết một vài món Tây, kết hợp cùng đồ uống là nước trái cây, rượu vang và nước ngọt. Đối với các khách mời, họ đặc biệt thích tiệc buffet vì họ có thể thỏa thích lựa chọn món ăn, đồ uống theo sở thích, lại không phụ thuộc vào thực đơn lên sẵn. Tuy nhiên do tính chất thoải mái và tự do, tiệc cưới buffet ít nhiều làm mất đi tính trang trọng của buổi tiệc, một yếu tố được những người lớn tuổi trong gia đình đề cao khá nhiều. Tùy vào sở thích, khả năng tài chính và số lượng khách mời mà các cô dâu chú rể có thể lựa chọn cho mình một thực đơn cưới hợp lý và thú vị nhất. Với những đám cưới có số lượng khách mời lớn, đa dạng về tầng lớp và lứa tuổi, một menu truyền thống luôn là điều phù hợp nhất. Ngược lại, với những đám cưới với quy mô nhỏ hơn, khách mời trẻ trung, đam mê những điều mới lạ, một menu theo kiểu Âu hay tiệc đứng sẽ rất đặc biệt và ý nghĩa. (Chia sẻ của ông Nguyễn Công Chung – Tổng bếp trưởng khách sạn Sheraton Hanoi )

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào