Thanh toán

Văn hóa ứng xử cho cô dâu - chú rể trong ngày cưới

Đăng bởi Marry Doe - 17/04/2012   |   Lượt xem: 3224

Khi chuẩn bị cho ngày cưới, có hàng trăm đầu việc cần phải được chuẩn bị chu toàn. Suy cho cùng, đôi tân lang tân nương cũng chỉ muốn làm làm đẹp lòng tất cả, hãnh diện với bạn bè, người quen

Trong ngày cưới đã có không ít các cặp đôi với nhiều lý do khác nhau đã vô tình biến bao tâm huyết, công sức chuẩn bị của mình thành “dã tràng xe cát” chỉ vì thiếu sự tinh tế trong cách ứng xử. Mặc dù việc cư xử với cha mẹ họ hàng hai bên, khách mời tại lễ cưới là điều tưởng chừng như giản đơn nhưng nếu không tế nhị, các cặp đôi có thể để lại ấn tượng không đẹp về ngày vui của mình.

Văn hóa ứng xử cho cô dâu chú rể

Văn hóa ứng xử cho cô dâu chú rể là điều cần thiết trong ngày cưới

 Văn hóa đón khách: Trân trọng “Những niềm vinh hạnh”

Đa phần các khách mời đến dự lễ thành hôn đều là bạn bè, người thân hai bên gia đình. Điều đầu tiên mà cô dâu chú rể cần nhớ là câu tục ngữ: “có mặt hơn 10 gói”. Hơn nữa, trong thiệp cưới bạn chẳng đã ghi rằng: “Sự hiện diện của quý vị là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi” còn gì. Thế nên các đôi uyên ương đừng quá đặt nặng chuyện trang phục của họ hàng xa đến dự chưa được sang trọng hay các vị khách mời đã bỏ “phong bì” hay chưa… Hãy dành nụ cười rạng rỡ và sự chân thành để cảm ơn những người đã bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để hiện diện tại lễ cưới của bạn.

Ai cũng hiểu, để chuẩn bị cho lễ cưới, cô dâu – chú rể đã rất vất vả. Thế nhưng bạn đừng vì dư âm mệt mỏi của những ngày chuẩn bị cho lễ cưới, hay nỗi vất vả đứng hàng giờ dưới ánh nắng chói chang để đón khách mà sắc mặt kém vui để rồi hờ hững chào hỏi những vị khách đến muộn. Nếu sở hữu bản tính ít nói ít cười, bạn cũng không cần phải cố gắng “cười nói” mà vẻ mặt rạng rỡ của bạn, cái gật đầu thân thiện cũng đủ để khách tham dự cảm thấy được trân trọng. Không cần phải quá nồng nhiệt, tay bắt mặt mừng, không cần phải cúi đầu chào liên tục, cũng không cần quá nhiều những cái ôm siết chặt để thể hiện sự hạnh phúc, bạn chỉ cần bắt tay, nói với khách mời lời cảm ơn vì đã đến chung vui và chụp chung những bức ảnh kỷ niệm.

Các cặp đôi cũng hay mắc phải sai lầm khá phổ biến là chỉ niềm nở chào đón những người mình quen, còn những vị khách mình không biết (khách của bên cô dâu, hoặc khách của bên chú rể mà mà mình chưa bao giờ gặp) thì hay tỏ ra lơ đễnh, không mấy quan tâm. Có thể bạn không cố ý thiếu sót do buổi lễ quá đông đúc nhưng phạm phải sai lầm này không chỉ làm vị khách kém vui suốt buổi lễ mà còn có thể tổn hại mối quan hệ tốt đẹp của chồng hay vợ mình với người ấy về sau.

Văn hóa chỗ ngồi: Đừng để khách cảm thấy lạc lõng

Sắp xếp chỗ ngồi hợp lý

Sắp xếp chỗ ngồi hợp lý

Ngoài việc tỉ mẩn lựa chọn thực đơn ngon, hấp dẫn cho các vị khách của mình, thì khâu sắp xếp chỗ ngồi cho các vị khách đến dự cũng là một điều cực kỳ quan trọng. Rất nhiều vị khách cảm thấy lạc lõng, bối rối không biết sẽ ngồi ở vị trí nào khi bước vào một không gian tiệc cưới đông đúc, nhộn nhịp bởi xung quanh chỉ toàn là người xa lạ. Khi một người bước vào đám đông, họ có cảm giác hàng chục đôi mắt đang nhìn mình nên sẽ không thoải mái. Lóng ngóng chọn đại một chiếc ghế trống, vị khách sẽ cảm thấy buổi tiệc kém vui. Để tránh điều này, khi sắp xếp bàn, các cặp đôi nên đặt sẵn thanh chỉ dẫn ghi tên bàn, vd: Bàn bạn học phổ thông, bàn bạn đại học, bàn công ty… Bên cạnh đó, ban tổ chức nên cắt cử 2 nhân sự làm nhiệm vụ đưa khách mời vào tận bàn cũng là cách tiếp đón long trọng. Khách mời của bạn sẽ cảm thấy hài lòng và thoải mái.

Văn hóa “sui gia”: Đừng để cho hai họ phải khó xử

Khi những khoảnh khắc long trọng của buổi lễ diễn ra, không chỉ có cô dâu, chú rể cảm thấy thiêng liêng mà họ hàng hai bên cũng ít nhiều có cùng cảm nhận. Đây là ngày mong đợi và đầy tự hào của cha mẹ hai bên, khoảnh khắc chính thức đánh dấu “cô bé, cậu bé” thơ ngây ngày nào đã trưởng thành và có gia đình riêng. Tất cả đều là công lao dưỡng dục của những đấng sinh thành.

Hiểu được điều này, khi sắp xếp cho cha mẹ hai bên lên sân khấu, bạn phải khéo léo thể hiện sự kính trọng. Cha mẹ lên trước đứng giữa, nếu có thể thì bố trí đứng ở bậc cao hơn, lưu ý vị trí ngang bằng giữa “sui và gia”. Khi cô dâu chú rể bước lên sân khấu và bước vào giữa, hãy đứng sát cùng cha mẹ hai bên. Nếu có thể, cô dâu hoặc chú rể hãy có đôi lời phát biểu tỏ lòng biết ơn cha mẹ hai bên đã tác thành và vun vén niềm hạnh phúc.

Có nhiều trường hợp vì gu thẩm mỹ nên các cô dâu rất thường “gỡ phăng” đi những nữ trang mà cha mẹ chồng vừa trao để đính lên những bộ trang sức hợp thời trang với chiếc váy cưới hiện đại. Điều này đã vô tình làm cho gia đình chồng cảm thấy bị tổn thương bởi họ đã gửi gắm tình yêu thương vào trong món quà sính lễ. Để không làm phật ý gia đình chồng mà đôi uyên ương cũng cảm thấy vui khi làm điều mình muốn, đôi uyên ương nên trình bày suy nghĩ của mình cũng như xin phép người lớn 2 bên trước khi thực hiện sở thích. Và chắc chắn rằng, cô dâu chú rể sẽ nhận được những nụ cười viên mãn của cha mẹ hai bên.

Một lưu ý nữa khi tiệc tàn, cô dâu chú rể cũng không nên lơ là việc gửi những lời cảm ơn đến mọi người mà hãy tái hiện lại niềm vui đón khách lần nữa để lễ cưới thêm trọn vẹn cho cả “ban tổ chức” lẫn người tham dự.

Trà My

Bình luận

Viết Đánh Giá

Chưa có bình luận nào