Cùng một vòng Trái đất tìm hiểu những điểm độc lạ, có 1-0-2 trong lễ cưới hỏi của các quốc gia dưới đây.
Tục nhổ nước bọt lên người cô dâu ở Kenya
Vào lễ cưới, cô dâu của bộ tộc Maasai ở Kenya sẽ được mặc những bộ quần áo rực rỡ cùng bộ trang sức nặng nề. Tuy nhiên, trước khi chính thức về nhà chồng, cha của cô sẽ nhổ một bãi nước bọt lên ngực cô dâu để tượng trưng cho những điều may mắn nhất.
Tục quất roi vào lòng bàn chân chú rể và tặng ngỗng ở Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, trong khi diễn ra lễ cưới, những người anh của cô dâu sẽ "chộp" lấy chú rể ngay giữa bàn tiệc mừng và nhấc bổng lên, tháo lấy đôi giày của chú rể.
Sau đó, gia đình cô dâu dùng roi quất vào lòng bàn chân chú rể như một lời chúc phúc cuộc sống hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.
Theo truyền thống Hàn Quốc, chú rể sẽ phải tặng cho mẹ vợ một chú ngỗng hay chú vịt như một lời đảm bảo, hứa sẽ chung thủy, chỉ yêu một mình cô dâu mà thôi.
Trong đám cưới hiện đại, thay vì tặng mẹ vợ, cô dâu - chú rể sẽ tặng vịt, ngỗng cho nhau để thể hiện tình cảm lâu bền của hai bên.
Uống 3 ngụm rượu sake ở Nhật Bản
Nghi thức san-san-kudo là một phong tục cổ truyền trong đám cưới của người Nhật Bản. Theo đó, cô dâu, chú rể và hai bên cha mẹ - mỗi người sẽ uống 3 ngụm rượu sake từ trong ba chiếc cốc khác nhau.
Ba ngụm đầu tiên đại diện cho ba cặp đôi (cô dâu - chú rể - bố mẹ hai bên), ba ngụm thứ hai đại diện cho ba thói xấu của con người là căm ghét, ghen tị và thờ ơ. Ba ngụm cuối là để giải thoát khỏi ba thói xấu đó. Nghi lễ như một lời cam kết bền vững giữa hai gia đình và tăng sự gắn kết giữa cặp vợ chồng.
Tục ném kẹo confetti ở Ý
Thay vì tung hoa giấy, kim tuyến thì trong những đám cưới ở Ý, người ta thường tung Confetti - một loại kẹo bọc đường nhiều màu mỗi khi cô dâu - chú rể bước ra khỏi nhà thờ.
Những cư dân ở đây cho rằng, việc ném những viên kẹo ngọt bọc đường như một lời chúc phúc cặp vợ chồng sẽ có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, ngọt ngào.
Tung chim bồ câu ở Philippines
Một tục lệ không thể thiếu ở trong các tiệc cưới truyền thống của người Philippines đó là thả chim bồ câu. Theo đó, cô dâu chú rể sẽ cùng nhau thả hai chú chim lên bầu trời - như một lời hứa hẹn sẽ có cuộc sống hôn nhân hòa hợp, lâu dài và bền vững
Tục cưa gỗ ở Đức
Những cặp vợ chồng ở Đức sẽ phải cùng nhau cưa một khúc gỗ trước mặt mọi người ngay trong buổi làm lễ. Đây được coi là thử thách đầu tiên của các cặp đôi khi họ phải chứng minh cho mọi người thấy sự phối hợp nhịp nhàng, gắn bó sau khi họ tuyên thệ thành vợ chồng.
Tục đập vỡ bát đĩa ở Đức
Một phong tục khá thú vị của người Đức là đập vỡ một số lượng lớn những chiếc đĩa trước lễ cưới và bắt cô dâu cùng chú rể phải dọn dẹp hết số đĩa vỡ đó.
Phong tục đập vỡ những chiếc đĩa của người Đức lại mang ý nghĩa là vĩnh biệt cuộc sống cũ và bắt đầu một cuộc sống mới sau khi cưới.
Nhiều người cho rằng, hành động này được cho là một cách phòng ngừa trong tương lai, nghĩa là khi xảy ra “chiến tranh” giữa hai người, họ không cần đập thêm bát đĩa nữa.
Tục trộm giày ở Ấn Độ
Tại đất nước châu Á này tồn tại một tục lệ cưới hỏi khá độc đáo. Chú rể phải tháo giày trước khi bước vào bàn thờ để làm lễ cưới.
Các thành viên trong gia đình cô dâu bắt buộc phải tìm cách lấy trộm đôi giày của chú rể và phải làm càng nhanh càng tốt. Trong khi đó, gia đình của chú rể phải cố bảo vệ lấy đôi giày đó.
Nếu gia đình cô dâu lấy trộm đôi giày của chú rể thành công thì chú rể sau đó sẽ phải trả cho gia đình cô dâu một khoản tiền theo yêu cầu để lấy lại đôi giày.
Tục bắt cóc cô dâu ở Romania
Bắt cóc cô dâu trước khi lễ cưới diễn ra là một trong những phong tục cưới hỏi độc đáo của người Romania. Theo đó, cô dâu sẽ bị bắt cóc bởi bạn bè, gia đình.
Chú rể sẽ có nhiệm vụ là mua đồ ăn, nước uống đãi toàn bộ quan khách có mặt lúc đó để giải cứu và chuộc cô dâu của mình.
Tục bôi bẩn lên người cô dâu ở Scotland
Theo truyền thống của người Scotland, cặp đôi mới cưới sẽ bị mọi người chuốc rượu. Sau đó, họ sẽ được người thân, bạn bè đổ hỗn hợp mật đường, tro, lông vũ lên người. Việc làm này sẽ giúp cặp đôi tránh được nhiều điều xui xẻo trong cuộc sống.
Tục đập vỡ chuông sứ ở Guatemala
Trước khi bắt đầu buổi tiệc, mẹ cô dâu sẽ đập vỡ chiếc chuông sứ trắng chứa đầy gạo, ngũ cốc, bột mì như một lời chào để đón cô dâu - chú rể.
Theo quan niệm của những cư dân nơi đây, những thực phẩm này được xem như là lời chúc phúc, mang đến may mắn, sự sung túc, thịnh vượng cho cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng sau này.
Nguồn: Buzzfeed, Telegraph