Thanh toán

Vượt qua tâm lý sợ cưới và những trở ngại

Đăng bởi Marry Doe - 01/08/2013   |   Lượt xem: 2152

Tưởng rằng khi đã đi đến quyết định cưới xin thì mọi khó khăn trong quá trình yêu nhau sẽ tan biến. Kỳ thực, để có được một đám cưới trọn vẹn nhiều niềm vui, các đôi uyên ương vẫn còn rất nhiều thử thách, trở ngại trong quá trình chuẩn bị đám cưới. Không thiếu những cặp đôi khi đã gần tới đích lại sinh ra tâm lý "sợ cưới". Vậy đâu là cách để vượt qua?

Bất đồng vì quy trình lễ nghi

Thông thường, sự bất đồng về quy trình tổ chức đám cưới là do sự khác biệt về văn hóa cưới của từng vùng miền. Chẳng hạn như trường hợp của cô dâu Thanh Minh (gốc Bắc) chia sẻ: Vào ngày lễ vu quy, khi nhà trai đến nhà gái, ba mẹ cô dâu cần có sự hiện diện của cả bố mẹ chú rễ, bất đắc dĩ lắm, chỉ cần cha hoặc mẹ chú rễ. Nhưng ngược lại, bên gia đình nhà trai (tỉnh Kiên Giang) thì kiên quyết cho rằng: Lễ vu quy không cần có ba mẹ chú rể, vì chưa rước dâu thì ba mẹ hai bên không được gặp nhau. Ngày cưới cận kề, nhưng đôi uyên ương rất rối vì không biết giải quyết cách nào cho phù hợp nhất, để hai gia đình cảm thấy vui vẻ.

Cuối cùng, cách giải quyết ổn thỏa được đưa ra như sau, vì lễ vu quy là nghi lễ của nhà gái, nên nhà trai sẽ theo phong tục, nguyện vọng của nhà gái đưa ra. Như vậy, nếu các bạn gặp trường hợp bất đồng nào tương tự thì nên nhớ quy tắc này, nghi lễ được tổ chức bên nhà gái thì nhà trai nên theo nguyện vọng, phong tục của nhà gái về quy trình, số người tham dự, sính lễ… và ngược lại.

Bất đồng khi dự định tổ chức tiệc cưới chung

Bất đồng về quy mô tiệc cưới thường xuất hiện nếu hai nhà tổ chức đãi khách chung. Lúc này sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề như chi phí tiệc bên nào sẽ lo? Địa điểm tổ chức tiệc, đón khách như thế nào?...

Hãy tham khảo cách làm của cô dâu Thu Hương (Q.3, TP.HCM) như sau: Vì nhà trai và nhà gái đều ở TP.HCM, nhà trai ở Tân Phú, nhà gái ở Gò Vấp, nên hai nhà quyết định đãi khách chung, giữa hai bên cũng xuất hiện những câu hỏi tương tự như vậy, và cuối cùng đôi uyên ương quyết định thưa với ba mẹ hai nhà là cho hai bạn mượn tiền trước để tổ chức, sau buổi tiệc lời, lỗ thế nào  hai bạn tự bù đắp. Và để ba mẹ hai bên biết được khách của mình có đến dự hay không để sau này trả lễ dễ dàng hơn thì khi viết thiệp cưới, bạn chọn hai màu mực khác nhau cho hai nhà (điều này cũng giúp tiệc cưới thân thiện hơn, khi trên bàn tiệc chỉ cần một thùng tiền, không cần hai thùng tiền chia ra cho hai nhà). Ba mẹ hai bên sẽ cung cấp danh sách, hai bạn dựa vào danh sách để đặt số bàn phù hợp. Về địa điểm cưới, chọn nhà hàng ở giữa khoảng cách đoạn đường của hai nhà.

Vượt qua tâm lý sợ cưới và những trở ngại

Như vậy, cách giải quyết vấn đề này chỉ cần sự đồng lòng, thuyết phục và phân tích cho cha mẹ hai bên hiểu rõ về việc đãi tiệc. Nhà hàng và phong cách tiệc khi cặp đôi chọn sẽ phải thông qua sự đồng ý của cả hai nhà, có như vậy buổi tiệc mới diễn ra thật sự vui vẻ và ấm áp.

Rắc rối do chọn ngày cưới

Chọn ngày cưới là việc làm đầu tiên các cặp đôi cần thống nhất với bố mẹ của hai bên. Do đó, một khi hai bạn đã có quyết định dứt khoát về cưới xin, rõ ràng thời gian dành cho việc chọn ngày luôn là dài nhất. Thường thì hiện nay các cặp đôi không còn phụ thuộc khá nhiều vào các “ông thầy, bà cô” mà họ sẽ tự cân đo, chọn khung ngày tháng trong một thời điểm thích hợp, để sao cho hài hòa giữa ngày cưới với công việc, sau đó họ sẽ đưa khung thời gian đó cho gia đình hai bên. Cha mẹ hai bên sẽ thống nhất một ngày nhất định, và công bố cho hai họ được biết.

Tuy nhiên, mọi sự thường không dễ dàng nếu trong họ có người không hài lòng, hoặc gia đình một trong hai bên đột nhiên không thống nhất ngày cưới. Lúc này, hai bạn nên xử lý thế nào? Ngày tháng cưới xin thực chất rất quan trọng vì đa phần mọi người đều quan niệm “có kiêng có lành”, đồng thời nó còn giúp cho các bậc cha mẹ an tâm hơn trong ngày trọng đại của các con mình. Nhưng ngày nào, tháng nào là ở hai bạn. Các bạn phải tâm sự nhiều hơn với cha mẹ, rằng ngày tháng đã chọn là ngày mà cả hai hài lòng nhất, rằng ngày này phù hợp với công việc của hai bạn, và rằng cha mẹ đừng lo “tụi con sẽ chứng minh được rằng ngày này mang lại cho cuộc sống hạnh phúc của hai con”. Thực chất, cha mẹ lo là cũng vì cho hạnh phúc hai bạn sau này, do đó với sự quyết đoán, khả năng thuyết phục của bạn sẽ khiến gia đình hai bên vui hơn và thống nhất được ngày cưới nhanh thôi.

Nên nhớ, để tránh những xung đột khi chọn ngày cưới, các bạn hãy xin phép gia đình cho hai bạn được cưới trước khung thời gian cả hai muốn tổ chức cưới ít nhất là nửa năm. Nửa năm cũng đủ để hai bên gia đình chọn thời gian và chuẩn bị tổ chức đám cưới.

Sợ cưới vì tâm lý chưa sẵn sàng

Nếu nói đến lý do tâm lý chưa sẵn sàng là do tài chính eo hẹp của cặp đôi, của cha mẹ, việc trì hoãn cưới là điều nên làm. Việc trì hoãn này cần phải có thời gian nhất định, và đây là động lực để hai bạn cố gắng giải quyết để thêm nguồn tài chính, cũng như tìm đến sự giúp đỡ bên ngoài để đám cưới được tổ chức một cách tiết kiệm nhất.

Chia sẻ, cảm thông và tạo niềm tin cho nhau là chìa khóa giải quyết tất cả những bất ổn tâm lý tiền hôn nhân

Còn nói về lý do có sự bất ổn tâm lý tiền hôn nhân, chưa sẵn sàng sống đời sống trách nhiệm gia đình, có lẽ đây là tâm lý mà ai cũng phải trải qua. Một số chàng còn lo lắng, bất an khi chưa đưa đến một cuộc sống “chăn ấm nệm êm” cho nàng sau khi cưới, một số chàng khác thì chưa muốn bị “nhốt” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Về phần nàng thì lại bị chùn chân bởi nghĩ đến viễn cảnh làm dâu, nghĩ đến cảnh mình không còn được tự do giờ giấc, shopping hoặc lo sợ vì “nữ công gia chánh” mình chưa ổn.

Với tất cả những điều ấy, thời gian vượt qua không dài, điều các bạn cần là sự chia sẻ, tạo niềm tin cho nhau. Các bạn khi nghĩ đến một đám cưới thì chắc chắn đã trưởng thành rồi, suy nghĩ cũng đã có phần cho người khác. Vì vậy, hãy cứ mạnh dạn nói ra suy nghĩ, quan điểm của mình về đời sống sau hôn nhân một cách rõ ràng nhất để cả hai được rõ, tránh những xung đột về sau. Ngoài ra, cha mẹ cũng là người để các bạn chia sẻ những bất an trong lòng, chắc chắn lời khuyên của các bậc sinh thành sẽ cho bạn niềm tin vững bền hơn. Các bạn cũng có thể tham gia các khóa học tiền hôn nhân tại các trung tâm phát triển cộng đồng. Đảm bảo chỉ tầm một tháng, tâm lý của các bạn sẽ ổn và vui vẻ hơn nhiều. Còn nếu giữa hai bạn đã có sự chia sẻ rõ ràng mà một trong hai bên vẫn cố tình lãng tránh, đừng biến mình thành “bến đợi” mãi nhé.

Thanh Trà

Bình luận

Viết Đánh Giá
T
Sắp cưới nên tâm lý luôn căng thẳng và mệt mỏi ,có lúc sẽ ức chế và cáu giận nhưng nếu biết tiết chế và cùng nhau bàn bạc thì mọi chuyện sẽ ổn và đám cưới sẽ rất tuyệt vời