Đăng bởi Marry Doe - 27/06/2010 | Lượt xem: 1052
Một số người vẫn chưa hiểu về Công ty kế hoạch cưới (Wedding Planner) hoặc hiểu nhưng chưa đúng. Đây là một người sẽ chăm lo tất tần tật cho một quy trình cưới, không chỉ gồm những việc chi tiết như nghi thức cử hành ra sao, chụp hình ở đâu, mời bao nhiêu khách... mà WP phải phụ trách cả phần tinh thần lẫn vật chất...
Weddding Planner (WP) – Người hoạch định đám cưới là một khái niệm khá mới tại Việt Nam. Tìm kiếm thông tin về nghề này là một điều tương đối khó khăn vì… nó quá mới. Để tìm hiểu về ngành nghề non trẻ, nhưng cũng không kém phần thú vị này, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với
cô Hồng Xuân – giám đốc Cty Kế hoạch cưới Confetti, một trong số ít những công ty đi chuyên về mảng WP tại Việt Nam.
Thưa cô Hồng Xuân, chúng ta nên hiểu như thế nào về nghề wedding planner?
Hiện tại, đối với khái niệm WP, một số người không biết gì về nó, và không ít người hiểu nhưng chưa đúng về WP. Đây là một người sẽ chăm lo tất tần tật cho một quy trình cưới, không chỉ gồm những việc chi tiết như nghi thức cử hành ra sao, chụp hình ở đâu, mời bao nhiêu khách... mà WP phải phụ trách cả phần tinh thần lẫn vật chất. Tinh thần ở đây là sức sáng tạo cao độ nhằm mang đến những ý tưởng cưới cực đỉnh, tràn đầy xúc cảm và khó quên, cả những lời tư vấn tinh tế và thích hợp nhất cho đôi trẻ (và đôi khi là cả những người thân trong gia đình của hai nhân vật chính) trong những lúc “bấn loạn” vì đám cưới. Còn vật chất ở đây được xem là phần cứng – những công việc cần khả năng lên kế hoạch, sắp xếp, bố trí, thực hiện để một đám cưới diễn ra trọn vẹn.
Như vậy, vai trò của một WP có thể được tóm gọn là...?
Nếu bạn gặp được một WP chuyên nghiệp thì bạn chỉ cần cho họ biết: bạn sẽ cưới và bạn muốn đám cưới “có vẻ” như thế nào, họ sẽ biết phải làm gì cho bạn. Nói như thế để mọi người hiểu rằng không có một giới hạn nào về mặt phạm vi hoạt động hay công việc của một WP.
WP là một nghề mới tại thị trường Việt Nam, như vậy theo cô Hồng Xuân, nó sẽ gặp những khó khăn và thuận lợi gì?
Nói về thuận lợi trước, có 4 điểm lớn. Thứ nhất là vì WP là một nghề mới nên trên thị trường vẫn còn ít đối thủ, sức cạnh tranh không quá khắc nghiệt. Thứ hai là đối tượng khách hàng tiềm năng, đa phần họ là những người trẻ, tiên tiến, họ thoải mái tiếp nhận và chấp nhận những cái mới của xã hội. Thứ ba: gia đình ngày càng thu nhỏ, công việc ngày càng chiếm nhiều thời gian và sức lực hơn nên việc một cặp đôi yêu nhau, đi đến hôn nhân, nhưng không thể tự mình quán xuyến hết mọi thứ trong ngoài ngày càng nhiều, nhất là với các bạn trẻ. Thuận lợi thứ tư là môi trường “làm việc”, mình sẽ được làm việc trong không khí “hỉ sự”, gặp những người đang hết lòng vì hạnh phúc của một cặp đôi trẻ, luôn sống trong cảm giác hâm nóng tình yêu để đón chờ ngày cưới. Khách hàng đến với mình bằng nụ cười và họ tạm biệt mình cũng bằng nụ cười.
Còn về khó khăn, cùng vì nó quá mới nên người ta không biết đến mình, không hiểu nên dẫn đến không tin và không dùng. Trở ngại thứ hai là đám cưới ở Việt Nam vẫn còn mang nặng tính truyền thống rất nhiều, nó không chỉ là sự kiện của hai con người mà là của cả hai ông bố bà mẹ, hai gia đình, hai dòng họ,… Chính trở ngại này đặt ra thử thách cho người WP phải biết dung hòa giữa những mong muốn hiện đại của cô dâu chú rể với những quan niệm cổ truyền của những người lớn.
Từ những kinh nghiệm của mình, cô thấy rằng nhu cầu đối với dịch vụ này có nhiều không? WP có thể sống với nghề này không?
Theo thống kê của Bộ Thống Kê Việt Nam, từ 2002 – 2009, có 25.000 cặp đăng ký kết hôn và mỗi đám cưới trung bình tiêu tốn từ 300-500 triệu. Những con số này nói lên điều gì? Đám cưới là một sự kiện quan trọng mà họ dù muốn dù không vẫn phải chi ra một số tiền tương đối để tổ chức. Trong số tiền bỏ ra này, hiện nay phần lớn, một cách manh múng và chưa có hệ thống, rơi vào các nhà cung cấp dịch vụ cưới từng phần như: áo cưới, chụp hình, xe hoa, lễ tiệc, … Dưới con mắt của một nhà WP, tôi cho nó là tiềm năng. Nhưng nếu nói để có thể làm giàu từ WP ngay thời điểm bây giờ thì chưa. Ví dụ như một đám cưới mà WP phải lo trọn vẹn từ đầu đến cuối, bao gồm cả phần “cứng” lẫn phần “tinh thần”, với tổng mức chi phí khoảng 500 triệu đồng thì phần thu nhập cho WP chỉ khoảng 7-12 % số tiền đó, một con số rất nhỏ đối với việc hoạt động của một công ty WP với bao chi phí về điều hành, nhân sự, … Mà con số này có thể còn nhỏ hơn nếu WP chỉ phụ trách một phần của lễ cưới. Nghề này sẽ phát triển khi nhận thức về WP càng được tăng cao trong bộ phận người dân. Mọi hy vọng của những người làm hoạch định kế hoạch cưới như tôi đặt rất nhiều vào giới trẻ Việt Nam, một bộ phận lớn đang ngày từng ngày làm thay đổi bộ mặt xã hội, trong đó có cả quan niệm về ngành nghề này. Tôi hy vọng (và rất tin) điều đó sẽ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, 1-2 năm nữa.
Cám ơn những chia sẻ của cô Hồng Xuân.
Trích Tạp chí Phụ nữ Thời đại, tháng 3 năm 2010
Lam Hạ thực hiện
Đón xem Kỳ 2: Chân dung của một người wedding planner.