Thanh toán

Ý nghĩa lễ nhị hỷ và tứ hỷ sau đám cưới

Đăng bởi Marry Doe - 27/02/2017   |   Lượt xem: 10001

Lễ nhị hỷ, tứ hỷ hay còn gọi là lễ lại mặt. Lễ này cũng được xem như một nghi thức thực hiện sau đám cưới trong phong tục tập quán của người Việt. Đây là nghi lễ mà bên nhà trai đặc biệt là chú rể và cô dâu sẽ dành thời gian để cô dâu trở về gặp cha mẹ ruột cũng như người thân trong gia đình. Vậy sau đám cưới lễ nhị hỷ, tứ hỷ có ý nghĩa như thế nào, cùng Marry giải đáp nhé.

Lễ nhị hỷ, tứ hỷ thường diễn ra sau đám cưới được hai ngày, vợ chồng cùng nhau trở về thăm hỏi gia đình nhà vợ gọi là nhị hỷ, nếu đường xa có thể cách bốn ngày gọi là tứ hỷ. Lễ nhị hỷ, tứ hỷ còn giúp cô dâu xoa dịu nỗi buồn xa nhà, nhớ cha mẹ và người thân.

Lễ nhị hỷ tứ hỷ Lễ nhị hỷ tứ hỷ trong nghi thức truyền thống (Nguồn: gqtrippin.com)

Trong lễ nhị hỷ, tứ hỷ bên gia đình nhà trai có thể mang theo mâm lễ vật để tạ gia tiên bên gia đình nhà gái. Ngày xưa, theo phong tục cổ, ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, trong lễ nhị hỷ, tứ hỷ, nếu nhà trai chuẩn bị một cái đầu lợn bị cắt lỗ tai thì tức là có hàm ý muốn trả lại cô dâu cho nhà gái vì đã thất tiết. Nhưng những chuyện như vậy rất hiếm khi xảy ra.

Thông thường, lễ vật có đầu lợn, bánh trái, hoa quả, trà rượu đơn giản. Lễ vật càng hậu hĩnh càng chứng tỏ sự hài lòng của nhà trai về cô con dâu mới. Ngày nay, lễ vật lễ nhị hỷ, tứ hỷ có thể là quà tặng của cặp cô dâu chú rể mới cưới sau tuần trăng mật

Sau đó phía gia đình nhà gái, cha mẹ vợ làm mâm cơm để mời chàng rể và con gái mình cũng như phía nhà trai đã bớt chút thời gian quý báu ghé về thăm hỏi. Trong ngày gặp gỡ của lễ nhị hỷ, tứ hỷ cha mẹ cô dâu cũng sẽ an ủi, động viên và chia sẻ những điều hay lẽ phải nên biết khi về nhà chồng đến với cô dâu.

Lễ nhị hỷ tại nhà vợ Bữa ăn thân mật trong lễ nhị hỷ - tứ hỷ thân tình trong quy mô gia đình

Buổi gặp gỡ thân mật này cũng là cơ hội để chú rể và gia đình nhà trai tạo mối quan hệ thân thiết, gắn bó với gia đình nhà gái. Vì trong đám cưới có thể do phải đôn đáo lo cho chuyện đại sự của con mình, nhiều việc bận rộn nên gia đình hai bên chưa có dịp trò chuyện tâm sự nhiều cùng nhau. Điều này cho thấy lễ nhị hỷ, tứ hỷ là nghi thức vô cùng cần thiết và không kém phần quan trọng.

Ngoài ra, nhà trai còn phải đi chào ra mắt họ hàng thân nhân bên nhà gái. Sau đó mời cha mẹ vợ và một số người thân sang nhà chú rể. Lúc này thì mẹ cô dâu mới được chính thức lui tới phía nhà thông gia, vì trong lễ cưới, mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Lễ này thường được tiến hành từ sau hai đến bốn ngày kể từ ngày cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ) tuỳ theo khoảng cách xa gần và hoàn cảnh cụ thể mà định ngày. Thành phần chủ khách rất ít chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình.

Lễ nhị hỷ Cặp vợ chồng son thường tặng quà cho cha mẹ cô dâu trong ngày lễ nhị hỷ, tứ hỷ
Lễ nhị hỷ, tứ hỷ sau đám cưới mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp như sau: + Nhắn nhủ tới con cái phải biết đạo hiếu, biết tạ ơn sinh thành. Con rể coi bố mẹ vợ cũng như bố mẹ mình. + Thắt chặt tình thân và mở rộng mối quan hệ thông gia, họ hàng ngay từ buổi đầu, tình cảm được nhân đôi. + Hai bên gia đình cùng trao đổi, chia sẻ và rút kinh nghiệm về việc tổ chức hôn lễ. Ngoài ra còn bàn bạc về trách nhiệm của hai bên bố mẹ trong việc tác thành cuộc sống cho đôi trẻ trong tương lai và khi có cháu.

Trên đây là nghi thức cũng như ý nghĩa của lễ nhị hỷ, tứ hỷ sau đám cưới theo văn hóa Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên ở các vùng miền khác nhau sẽ có sự thay đổi chút ít để phù hợp hơn với phong tục nhưng mô hình chung không thể phá vỡ mô hình trên. Đây là một  phong tục đẹp trong đám cưới Việt. Nhưng nhiều nơi, vì điều kiện con cái làm ăn ở xa nên nhiều gia đình cũng thông cảm cho qua. Tuy nhiên nếu có điều kiện thì nên duy trì, vì đây là một nét đẹp văn hóa đáng để lưu giữ.

N.Ngân  

Bình luận

Viết Đánh Giá
L
Bây giờ mình mới biết đến lễ nhị hỉ, tứ hỉ. Đúng là 1 phong tục tốt đẹp của nhân dân ta. Lễ này nhắc nhở con cái phải giữ trọn đạo hiếu và thắt chạt tình cảm thông gia. Nếu có điều kiện thì nên duy trì lễ này :)