Đăng bởi Marry Doe - 22/01/2015 | Lượt xem: 8199
Trái ngược với sự ồn ào, náo nhiệt, áo váy xúng xính rộn ràng, khi đến dự lễ Hằng Thuận, bạn sẽ có cảm giác tĩnh tại, lắng đọng và dường như sống chậm lại ở một nơi thật tôn nghiêm với cảm xúc đặc biệt khó tả, với trải nghiệm vô cùng khác lạ
Đơn giản xuất phát từ tên gọi của nó, “hằng” nghĩa là thường xuyên, luôn luôn, còn “thuận” nghĩa là hòa thuận, đồng thuận hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống lứa đôi. Chính thế, ý nghĩa của lễ Hằng Thuận là giúp đôi vợ chồng trẻ ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến việc xây dựng và giữ gìn cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.
Ngoài ra, theo một tư liệu khác giải thích, chữ “hằng” trong quẻ dịch chính là đạo vợ chồng. Hằng thuận, nếu hiểu theo nghĩa ấy chính là sống thuận theo đạo vợ chồng, một đạo lý tương quan hảo hợp theo năm nguyên tắc đạo đức chung.
Nhưng nhiều người thắc mắc vì sao lại gọi là lễ Hằng Thuận mà lại không gọi là lễ cưới. Thật ra câu giải thích rất đơn giản, điều này hàm ý đôi bên trai gái đã thuận ý sống với nhau trọn đời và đây chỉ một cách gọi riêng của nhà chùa về đám cưới mà thôi.
Ngoài nghệ thuật sống hòa hợp, độ lượng, ý nghĩa của lễ này còn có tác dụng hướng thiện, nhường nhịn trên tinh thần tương kính, hy sinh và trách nhiệm. Ẩn chứa trong đó là một tình yêu đẹp, sự vắng mặt của tham - sân - si, không còn khái niệm “của anh”, “của tôi” ở đây nữa mà tất cả đều là “của chúng ta”.
Không chỉ hợp thức hóa đời sống lứa đôi, lễ Hằng Thuận còn giúp cân bằng đời sống tinh thần cũng như vật chất, góp phần tạo nên một đời sống hướng thượng, cao đẹp.
Tuy nhiên, từ “hằng thuận” chỉ thật sự có ý nghĩa khi cả hai đều mong muốn hướng đến một cuộc sống viên mãn bên nhau, dựa trên tình yêu thương, trách nhiệm và mục đích tất cả vì nhau. Nếu không như vậy mà chỉ vì chạy theo xu hướng, thích khám phá cái mới hay muốn tạo sự khác biệt, ý nghĩa của buổi lễ Hằng Thuận vô tình mất đi giá trị thiêng liêng. Đó chỉ là một việc làm "tùy thuận" theo xu thế thời đại, xem thường tinh thần và trí tuệ Phật giáo, tốt nhất không nên nghĩ đến việc tổ chức lễ thành hôn ở chùa.
Theo nhiều nguồn tư liệu, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới ở chùa là cụ đồ quê ở Hải Dương, tên là Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu Đồ Nam Tử (1883-1940). Vốn là một nhà Nho, sau khi quy y và phụng sự Phật pháp, ông cho rằng việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ mang lại giá trị lớn lao đối với đời sống hôn nhân gia đình, nhất là về mặt đạo đức, tâm linh.
Năm 1930, bác sĩ là Phật tử Tâm Minh - Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ cưới cho con gái đầu lòng tại chùa Từ Đàm (Huế), nhiều người cho rằng đây là lễ cưới điển hình đầu tiên được tổ chức ở chùa vì trước đó chưa từng nghe nói đến việc cưới tương tự thế này. Một thời gian dài, khoảng hơn 40 năm sau đó, người chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là lễ Hằng Thuận là hòa thượng Thích Thiện Hòa.
VÂN NGÔ