Thanh toán

Yêu – có nhất định phải diện đồ đôi?

Đăng bởi Marry Doe - 17/11/2017   |   Lượt xem: 777

Mặc đồ đôi khi yêu là xu hướng, là chân lý vĩnh cửu hay chỉ là một giây phút phù phiếm bồng bột của tuổi trẻ?

Trên phố, trong những quán cafe, và khắp các mạng xã hội, tràn ngập hình ảnh lãng mạn của những cặp tình nhân đang say nồng trong hạnh phúc. Không khó để mà nhận ra, các cặp uyên ương đang ngày có nhiều cách thức mới để thể hiện tình yêu của mình, và với thời trang, đó chính là những món đồ đôi. Những cửa hàng thời trang chuyên bán quần áo đôi ngày càng ăn nên làm ra, và khi nhìn xung quanh, bạn dễ dàng phân biệt những cặp anh chị em, những người bạn đồng nghiệp xã giao, và những cặp yêu nhau, nhờ những bộ áo đôi, nhẫn đôi, giày đôi v.v... mà họ mặc. Dường như trong mỗi một cuộc tình duyên, luôn phải có sự hiện diện của một cặp đồ đôi. Vậy thì, mặc đồ đôi khi yêu là xu hướng, là chân lý vĩnh cửu hay chỉ là một giây phút phù phiếm bồng bột của tuổi trẻ? 1. Cớ gì mà không mặc đồ đôi? Có lẽ, trào lưu dùng đồ đôi đã bắt nguồn từ hàng trăm năm trước, khi đôi lứa thanh xuân không được phép tự do hẹn hò. Họ chỉ biết bí mật hẹn ước với nhau, tặng nhau những món đồ đính ước: một cặp nút đồng tâm, một đôi khăn thêu hình chim uyên – chim ương, hay một mảnh ngọc bội bẻ làm đôi. Những vật đính ước ấy chính là tiền thân của những món đồ đôi thời hiện đại, có lẽ thế. Những vật có đôi có cặp ấy mang giá trị tinh thần để nhắc nhở những người đang yêu luôn nhớ về nhau, luôn thuộc về nhau dù đang phải xa cách, dù gặp bao cách trở. Luôn mang tín vật đôi ấy trên người, thì dù có đang phải đứng trước bao nhiêu người xa lạ nói lời yêu thương giả dối, chỉ cần người ấy nhìn từ xa, thấy ta vẫn dùng món đồ ấy, là hai người hiểu rằng họ vẫn một lòng hướng về nhau, một bí mật chỉ hai người mới biết. Đến thời hiện đại, cái chuyện dùng đồ đôi làm tín vật này vẫn còn xuất hiện đâu đó. Không tin ư? Hãy nhìn các cặp đôi thần tượng Hàn Quốc phải hẹn hò bí mật trốn cái nhìn săm soi của fan cuồng, và mỗi khi bị phát hiện, người hâm mộ bao giờ cũng săm soi được cả đống đồ đôi dùng “công khai – bí mật” của hai người. Khi nhìn hai người nắm tay đi trên phố, mặc hai chiếc áo cùng kiểu, cùng màu, điều đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được, ấy là sự đồng điệu trong tâm hồn và phong cách thời trang của họ. Cái câu “Trai tài – gái sắc” chính là thể hiện ở đây. Đã biết bao nhiêu lần chúng ta phải ngoái lại xuýt xoa trước một đôi tình nhân cùng diện đồ thật là cá tính, thật gợi cảm, thật phong trần, hay thật sáng tạo. Và tất nhiên, không thể bỏ qua sự đáng yêu. Nhìn những cặp tình nhân trẻ mặc những chiếc áo phông, áo sơ mi đôi, với những câu slogan tình cảm, mùi mẫn, đôi khi là hơi “hâm hâm”, ta tưởng như tuổi thanh xuân của họ sẽ còn mãi, họ sẽ mãi giống như một đôi búp bê, một đôi gấu con, hay một đôi nhân vật hoạt hình yêu nhau bằng tình yêu trong sáng nhất. Nhìn những cặp áo đôi, giày đôi, mũ đôi này, khó mà nghĩ rằng liệu có lúc nào họ sẽ giận dỗi nhau, lừa dối nhau, hay là dùng bạo lực với nhau được. Những chiếc áo đôi sẽ xóa nhòa những mâu thuẫn ấy, làm dịu lại những trận cãi vã, và giữ lại những khoảnh khắc rực rỡ nhất. Lý do cuối cùng để mặc đồ đôi, tuy thật buồn cười nhưng cũng thật dễ đoán. Người ta mặc đồ đôi là để khoe “Ta có người yêu đây này”  chứ còn gì nữa? Khi cùng nhau đi xem phim, đi mua sắm, sẽ chẳng có gì khiến người xung quanh phải ghen tỵ hơn là một cặp áo đôi thật nổi bật, thật bắt mắt, để ai ai cũng chỉ trỏ thì thầm “Kìa, con nhỏ kia thế mà cũng có anh người yêu đẹp trai gớm!”, hay chỉ là “Trời ơi đẹp đôi ghê!”. Và ở thời đại của mạng xã hội, đồ đôi sẽ là chủ đề cho hàng vạn tấm ảnh được chụp và tải lên để khoe chuyện yêu đương mỗi ngày. Đồ đôi càng độc, càng ấn tượng, thì càng nhiều “like”, và điều đó cũng có thể được hiểu là càng nhiều người ủng hộ mối quan hệ này. 2. “Thôi thôi, tôi xin, không đồ đôi gì nữa! Cái câu nói ấy có lẽ đang vang lên trong tâm trí của khá nhiều người đang yêu. Đồ đôi đáng yêu là vậy, ý nghĩa là vậy. Nhưng không phải lúc nào một người đang yêu cũng muốn mặc đồ đôi giống với tri kỉ của mình. Đơn giản bởi vì, phong cách của hai người quá khác biệt. Chàng thích mặc sơ mi, nhưng nàng cứ nhất quyết đòi mặc áo phông đôi. Nàng có nước da ngăm, nhưng chàng cứ nhất định đòi hai người quàng khăn đôi màu thẫm. Những ví dụ đơn giản như vậy khiến khái niệm “đồ đôi” trở thành nấm mồ chôn vùi phong cách và diện mạo của những cặp tình nhân. Cũng rất nhiều người dị ứng với đồ đôi, vì những món đồ ấy thể hiện ý đồ trói buộc thái quá của người yêu đối với mình. Đôi khi, một cô gái cứ nhất quyết bắt người yêu phải mặc áo đôi với mình, chỉ đơn giản bởi vì sợ một lúc nào ấy đang nắm tay nhau, một cô gái nào khác lại có ý liếc mắt đưa tình với bạn trai của mình. Dường như họ cho rằng, nếu những cô gái khác thấy hai người cùng mặc áo đôi, họ sẽ từ bỏ ý định chăng? Và rồi một trường hợp khác, khi chàng trai cứ hai ngày lại gọi điện kiểm tra một lần, “Hôm nay em nhớ đeo nhẫn đôi nhé!”“Sáng đi làm em nhớ đội mũ bảo hiểm đôi nhé!”, có lẽ chẳng khác gì giám thị soi học sinh mặc sai đồng phục trước cổng trường, với cái nhìn dằn mặt“Đừng hòng thoát khỏi tay tôi!”. Những bộ đồ đôi của các cặp tình nhân nhiều khi khiến cả những người xung quanh phải cảm thấy khó chịu. Đó là khi các đôi yêu nhau không biết đến điểm dừng, luôn luôn khoe mẽ, làm phiền người khác với hàng đống ảnh chụp của mình. Và khi họ chẳng mặc thứ gì mang được cá tính riêng, suốt ngày chỉ chạy theo nào áo đôi, găng tay đôi, vòng cổ đôi, họ bỗng trở thành một trò cười của thiên hạ. Họ chỉ giống như những con ma nơ canh chuyên diện đồ nam – nữ đứng cạnh nhau trong các cửa hàng quần áo, không còn tiếng nói và cũng chẳng tự quyết định được hướng đi của riêng mình. Ngẫm mà tự hỏi, đến khi những khác biệt đã trở nên quá lớn, những bộ đồ mặc bên ngoài liệu có ý nghĩa gì? Những chiếc áo, những đồ trang sức, vật kỷ niệm vô tri liệu có thực sự thay đổi được con người, xóa nhòa được những rạn nứt. Khi mà hai người đã nhìn về hai hướng khác nhau, liệu hai chiếc áo cùng màu cũng có thể chuyển thành hai màu đối lập? 3. Bình tĩnh đi, đồ đôi không phải là tất cả Tạm dừng lan man tới những khía cạnh sâu xa của tình yêu, chúng ta quay lại với bình diện thời trang. Nếu không muốn sa đà vào đồ đôi, nhưng vẫn muốn tạo một sự đồng điệu trong phong cách thời trang của cả hai người, bạn vẫn có nhiều lựa chọn khác. Có điều, bạn sẽ phải chú tâm hơn, tinh tế hơn và có lẽ cũng phải bỏ tâm sức nhiều hơn so với việc chỉ đặt mua hai chiếc áo giống hệt nhau. Trước hết, thay vì cố tìm cách thay đổi những khác biệt trong phong cách của cả hai người, hãy tìm đến những điểm chung. Những điểm chung ấy có thể rất đơn giản, ví dụ như màu sắc, hoặc họa tiết, chất liệu. Từ điểm chung ấy, cùng tìm những mẫu áo quần phù hợp với cả hai người mà không cần phải giống nhau hoàn toàn. Phối hợp sao cho điểm chung nhỏ này được tôn lên, nổi bật hẳn và chỉ ra được mối liên kết giữa cả hai bộ trang phục. Với cách giải quyết này, bạn sẽ không chỉ có 1 hay 2 bộ đồ đôi, mà có thể lựa chọn được cả một tủ đồ sóng đôi dành cho cả hai người, các bạn có thể diện đồ đôi hàng ngày mà không phải mặc đi mặc lại những chiếc áo giống hệt nhau. Chọn đồ đôi cũng có thể dựa vào một sở thích chung của cả hai người, ví dụ như nếu cả hai cùng thích xem phim siêu anh hùng thì mỗi người có thể lựa một chiếc túi xách hay vòng tay có in logo của nhân vật mà mình yêu thích; hoặc nếu cả hai cùng thích tiểu thuyết văn học thì có thể chọn đồ theo cảm hứng của tác phẩm mà mình yêu thích. Nếu cả hai cùng thích họa tiết, nhưng mỗi họa tiết lại khác nhau, thì cũng đừng ngại diện đồ họa tiết theo sở thích của riêng mình, và bạn sẽ bất ngờ khi đứng cạnh nhau, hai bạn vẫn là một đôi “không lẫn đi đâu được”. Dù không ép buộc nhau phải thay đổi phong cách, nhưng cũng đừng ngần ngại thẳng thắn chia sẻ, góp ý để hoàn thiện, sửa đổi diện mạo của người yêu mình. Ví dụ như bạn trai của bạn hiện đang không biết cách chọn giày da sao cho sang và tôn dáng, hoặc đang có bộ sưu tập cà vạt hoàn toàn chẳng liên quan gì đến áo sơ mi, hãy giúp chàng sửa đổi và tìm được phong cách đúng. Đồng thời, bạn cũng nên có cách điều chỉnh để phong cách của chính mình cũng đẹp hơn, phù hợp với người yêu hơn. Nếu chàng của bạn đang được khen ngợi với phong cách lịch lãm, sang trọng, còn bạn vẫn cứ nhẩn nha với phong cách trẻ con xì tin, thì có lẽ bạn cũng phải nghiêm túc suy nghĩ đến việc thay đổi sang loạt váy áo trưởng thành hơn. Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù diện đồ gì đi chăng nữa, hãy giữ “thái độ đôi” một cách tích cực. Hãy giữ “tiếng cười đôi”, đôi khi có thể là “im lặng đôi”, nhưng đừng “to tiếng đôi” hay “ghen tuông đôi” nhé. Bạn có biết rằng những cặp đôi yêu nhau lâu ngày thì khuôn mặt của họ càng lúc càng giống nhau không? Đấy là bởi vì họ lây nhiễm cả cách biểu cảm của nhau đấy. Thế nên, đấy chính là món đồ đôi đẹp nhất mà bạn muốn diện. Kể cả khi không mặc đồ giống nhau chút nào, tình yêu của các bạn vẫn có thể khiến người khác dễ dàng công nhận rằng: “Hai bạn đúng là đôi trời sinh, quả thật là phong thái giống hệt nhau!”  (Sưu tầm)

Bình luận

Viết Đánh Giá
M
nếu một trong 2 người không thích thì cũng không nên ép đối phương phải mặc,
M
nếu thích thì mặc không thì thôi cũng chả sao cả. Mình hồi giờ cũng có mặc đồ đôi đâu, cũng rất tốt
N
Tùy theo sở thích của cả hai như thế nào, diện cũng được, không diện cũng chẳng sao, muốn thể hiện là của nhau thì một cái nắm tay, một sự quan tâm ân cần nơi chốn đông người cũng thể hiện được sự sở hữu của nhau rồi. Đồ đôi làm cả hai thêm đáng yêu và đánh dấu là của nhau nhưng đừng để nó làm gánh nặng, là sự ép buộc nhau